Đô thị

Hà Nội: 5 tuyến buýt sau “đổi chủ” hoạt động thế nào?

16/08/2022, 08:08

Sau khi Công ty Bắc Hà xin dừng hoạt động 5 tuyến buýt ở Hà Nội vì tình hình tài chính khó khăn, nhiều khách quen sợ lịch trình đi lại xáo trộn.

Xe mới, chủ mới, chỉ lái xe là cũ

Nửa tháng trôi qua kể từ khi 5 tuyến buýt của Bắc Hà được chuyển giao cho chủ mới, ghi nhận của PV Báo Giao thông, cả 5 tuyến đều duy trì hoạt động ổn định, hành khách đi lại thuận tiện.

img

Có nhiều doanh nghiệp tham gia vận hành, loạt tuyến buýt được đầu tư phương tiện mới, hấp dẫn hành khách

Sáng 14/8, tại bến xe Giáp Bát, khu vực điểm chờ xe buýt, xe chạy các tuyến 41 (Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát) và 42 (Bến xe Giáp Bát - Đức Giang) đang dừng chờ đón khách. Theo quan sát, tuyến 42 được đầu tư xe mới với gam màu chủ đạo xanh lá khác biệt với màu đỏ - vàng trước đó. Một số hành khách lên xe khá bất ngờ vì điều này.

Lái xe tuyến này chia sẻ, những ngày đầu hoạt động có nhiều hành khách thắc mắc, lên xe rồi vẫn hỏi lộ trình có như cũ không, bởi mang tâm lý lo ngại tuyến ngừng hoạt động. Đến nay, hành khách đã dần quen và di chuyển bình thường như trước đó.

Chị Vũ Thị Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên đi tuyến buýt số 42. Khi biết tin Bắc Hà xin dừng hoạt động, chị cũng có chút băn khoăn: “Thậm chí, tôi còn tìm thông tin những tuyến buýt có lộ trình tương tự và chấp nhận nối chuyến, đi liên tuyến. Thế nhưng, rất bất ngờ khi biết không những tuyến vẫn hoạt động bình thường, lại còn được đi xe mới”.

Cũng trong sáng 14/8, tại khu vực sân bãi ở bên ngoài Công viên Thống Nhất, phụ xe buýt chạy tuyến số 43 đang dọn dẹp vệ sinh sau hành trình trả khách từ thị trấn Đông Anh.

Đáng chú ý, dù xe trên tuyến vẫn giữ gam màu truyền thống trước đó của tuyến là vàng - đỏ, nhưng dàn xe được Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân đầu tư mới hoàn toàn.

Quan sát của PV, trên chiếc xe BKS 29LD-038.15 được thiết kế hiện đại, ghế ngồi của hành khách có đệm êm, có hệ thống camera theo dõi hành trình di chuyển, giám sát hoạt động trên xe, có wifi phát miễn phí và bảng điện tử lắp đặt thông tin các điểm tới.

Lái xe tuyến này chia sẻ: “Khi Bắc Hà “bỏ cuộc”, tôi và nhiều anh em cũng lo nghĩ vì đã gắn bó cả chục năm. Nhưng rất may, doanh nghiệp mới vẫn tiếp nhận lái xe cũ với mức lương như cũ. Trước khi chính thức “chuyển chủ”, họ tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ lái, phụ xe rất chuyên nghiệp”.

Tương tự, ở trong khuôn viên Bến xe Mỹ Đình, tuyến buýt số 44 (Trần Khánh Dư – Bến xe Mỹ Đình) và ở khu vực sân đỗ Long Biên, tuyến buýt số 45 (Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long) vẫn hoạt động đón khách như thường lệ.

Các tuyến đều hoạt động ổn định

img

Hành khách lên xe buýt tại bến xe Giáp Bát

Là đơn vị được chỉ định thầu 3/5 tuyến buýt, ông Đào Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội cho biết, ngay sau khi được thành phố giao nhiệm vụ, công ty đã khẩn trương bố trí phương tiện (mỗi tuyến 11 xe), nhân viên lái xe, bán vé chủ yếu tiếp nhận từ Công ty TNHH Bắc Hà, bảo đảm hoạt động theo đúng tần suất, biểu đồ đang được đơn vị cũ thực hiện.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng chia sẻ, thực tế khai thác cho thấy, lộ trình của 3 tuyến này đi qua nhiều điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Tới đây, công ty sẽ báo cáo Sở GTVT Hà Nội để có phương án điều chỉnh hợp lý.

Ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội - đơn vị đảm nhận tuyến số 42 cho biết: “Thời gian chuẩn bị rất gấp gáp, trong khi khối lượng công việc lại nhiều. Được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng của thành phố, chúng tôi đã bố trí đủ nhân lực, phương tiện cũng như công tác hậu cần để tuyến buýt số 42 có thể hoạt động ngay từ sáng 1/8 theo đúng hợp đồng”.

“Hiện, công ty bố trí 8 phương tiện hoạt động, duy trì 100% số chuyến lượt theo đúng biểu đồ cũ. Trong những ngày đầu vận hành, hành khách có chút bỡ ngỡ, công ty đã bố trí tối đa lực lượng điều hành ở hai đầu bến để hỗ trợ hành khách và sẽ tiếp tục lắng nghe góp ý của nhân dân để điều chỉnh phù hợp”, ông Huy nói.

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng Hà Nội thông tin, sau khoảng hơn 10 ngày từ khi chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà, cả 5 tuyến buýt được chuyển giao đều duy trì hoạt động ổn định, mạng lưới xe buýt Thủ đô không bị xáo trộn, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

“Trung bình mỗi lượt xe phục vụ 40 - 45 hành khách và sẽ còn tăng cao hơn nữa khi tới đây học sinh, sinh viên vào năm học mới. Không chỉ hoạt động ổn định, sau khi được chuyển giao, lộ trình của các tuyến buýt này đã được cập nhật vào phần mềm timbuyt.vn, giúp người dân tra cứu dễ dàng, tiện lợi”, ông Phương nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá: Các doanh nghiệp buýt được đưa vào vận hành thay thế Công ty TNHH Bắc Hà đều là những đơn vị có kinh nghiệm nên thành phố rất tin tưởng chỉ định thầu.

“Trong khoảng thời gian gấp gáp chưa từng có trong tiền lệ, đây là cách nhanh nhất để duy trì, không làm gián đoạn hoạt động 5 tuyến buýt”, ông Long đánh giá.

Ngay sau khi Bắc Hà xin bỏ loạt tuyến buýt đang khai thác, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu hai phương án báo cáo UBND TP Hà Nội. Trong đó, phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà và chỉ định thầu đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm được lựa chọn.

Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận, Sở đã chỉ định thầu cho Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội vận hành tuyến buýt số 41, số 44, số 45; Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội vận hành tuyến buýt số 42; Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân vận hành tuyến buýt số 43.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.