Đô thị

Hà Nội: 6 năm vận hành, buýt nhanh vẫn chưa thể nhanh

14/03/2023, 10:00

Hơn 6 năm vận hành, những bất cập về hạ tầng và làn đường dành riêng bị lấn chiếm khiến buýt nhanh BRT ở Hà Nội vẫn loay hoay tìm đường ra.

Ì ạch trong làn đường riêng

Vào lúc 7h35 ngày 13/3, trực tiếp đi trên chiếc xe buýt nhanh BKS 29B - 150.58 từ Bến xe Yên Nghĩa, PV Báo Giao thông ghi nhận, bất chấp hệ thống biển báo “làn đường dành riêng BRT”, rất nhiều phương tiện, đa phần là xe máy, xe tự chế cố tình lưu thông vào đây.

Thực trạng này khiến cho hành trình di chuyển của chiếc xe buýt nhanh bị chậm lại, nhất là khi qua các khu vực có lưu lượng tham gia giao thông lớn như: Văn Phú, Vạn Phúc, Vạn Phúc 1, Vạn Phúc 2, Mỗ Lao, Trung Văn, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Giảng Võ.

img

Buýt nhanh BRT bị các phương tiện bủa vây trong giờ cao điểm. Ảnh: Tạ Hải

Điển hình, chỉ cách nhà chờ Vạn Phúc khoảng 30m nhưng lái xe phải mất tới hàng chục phút để tiếp cận, do phía trước quá đông phương tiện lấn làn.

Anh Nguyễn Văn Đạt, lái xe tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa chia sẻ: “Đường được bố trí dành riêng, nhưng quá trình di chuyển phải đi chung với rất nhiều phương tiện dẫn đến tốc độ của tuyến bị ảnh hưởng. Nhiều năm vận hành, cánh lái xe BTR chúng tôi đã quen và phải chấp nhận”.

Theo Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng Hà Nội, hàng ngày có rất nhiều phương tiện vi phạm quy định, đi vào làn BRT. Số liệu trích xuất từ camera đặt trên đường Quang Trung, bình quân trong 1 giờ có hơn 300 phương tiện chạy vào làn BRT, trong đó xe máy chiếm hơn 85%, xe ô tô con chiếm hơn 10%.

Trên đường Tố Hữu, bình quân có hơn 700 phương tiện chạy vào làn BRT, trong đó xe máy chiếm gần 90%, hạn chế rất nhiều đến chất lượng vận hành của xe BRT và tiềm tàng rủi ro về TNGT.

Không chỉ bị phương tiện khác chiếm đường, nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ và thời gian vận hành của tuyến còn là do đường dành riêng cho xe buýt chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên qua nút.

Tổ chức giao thông tiếp cận cho hành khách tới các nhà chờ cũng chưa hoàn chỉnh. Trên tuyến chỉ có 10/23 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường, khoảng cách từ vỉa hè qua cầu đi bộ đến nhà chờ còn xa, chưa thuận tiện cho người cao tuổi, người khuyết tật; còn thiếu vạch kẻ và đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường và nhà vệ sinh tại các phòng chờ.

Theo công bố của đơn vị khai thác từ ngày đầu vận hành, các xe buýt nhanh BRT di chuyển với tốc độ 19,6 km/h và mất khoảng 45 phút cho hành trình từ Yên Nghĩa đến Kim Mã và ngược lại, nhanh hơn khoảng 5 - 10 phút so với buýt thường. Tuy nhiên, quá trình di chuyển của PV trên tuyến buýt này giờ cao điểm mất tới 59 phút, thấp điểm 51 phút.

Những yếu tố trên phần nào khiến cho người dân chưa mặn mà khi di chuyển bằng buýt nhanh BRT.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho hay, nếu như doanh thu năm 2018 đạt hơn 27 tỷ đồng thì đến năm 2019 giảm còn gần 25 tỷ đồng.

Đến năm 2020 doanh thu chỉ còn hơn 15 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu giảm sâu chỉ còn gần 8 tỷ đồng.

Hoàn thiện hạ tầng, tăng xử phạt

Khẳng định buýt nhanh BRT chưa đáp ứng được yêu cầu, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, trong giai đoạn này, khi chưa phát triển được các trục chính, thành phố cần phải có giải pháp khai thác phù hợp và linh hoạt với điều kiện giao thông trong từng thời kỳ: “Ví dụ cho xe khác đi vào làn BRT; đầu tư hệ thống vé. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải xem xét buýt BRT hoạt động ở những tuyến đường nào và trong điều kiện giao thông đang đạt được ở mức nào

Cần phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, triển khai một cách đồng bộ, đánh giá chi tiết về điều kiện hiện tại, hiện trạng, cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông trên toàn mạng lưới… từ đó đưa ra phương án phù hợp, đảm bảo tính kết nối. Có như vậy, buýt nhanh mới thực sự nhanh, mang lại hiệu quả”.

Nói về các giải pháp, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra và xử lý vi phạm trên làn BRT, hạn chế tình trạng các phương tiện cá nhân đi vào.

Để thu hút hành khách, ông Phương cho biết, đơn vị sẽ rà soát, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt để tăng cường kết nối với tuyến buýt nhanh BRT. Đồng thời, tăng các tiện ích trên xe như wifi miễn phí, hệ thống thông tin cho khành khách.

Bên cạnh đó, sẽ bán vé tháng trên toàn bộ hệ thống nhà chờ và áp dụng phương thức mua vé không dùng tiền mặt thông qua mã QR-CODE trên tuyến BRT01.

Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT cũng sẽ được bố trí, tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân; lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, giai đoạn từ 2017-2019 (giai đoạn chưa chịu tác động của dịch Covid-19) tổng hành khách vận chuyển tuyến buýt nhanh BRT năm 2017 đạt 4,9 triệu lượt hành khách; năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt hành khách, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt hành khách, tăng 3,7% so với năm 2018.

Khách bình quân/lượt năm 2017 đạt 40,1 hành khách/ lượt; năm 2018 đạt 42,6 hành khách/lượt tăng 6,2% so với năm 2017; năm 2019 đạt 42,8 hành khách/ lượt tăng 0,7% so với năm 2018.

Giai đoạn từ 2020-2022 (giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19): Từ năm 2020 đến 2022, do chịu tác động của đại dịch Covid-19 (xe buýt phải dừng hoạt động và giảm dịch vụ từ 20-80% công suất), sản lượng và doanh thu thực hiện trên tuyến BRT sụt giảm so với giai đoạn trước đó.

Cụ thể: Tổng hành khách vận chuyển năm 2020 đạt 5,35 triệu lượt hành khách, giảm 2,6% so với năm 2019 (trong khi toàn mạng giảm 25,7%); năm 2021 đạt 1,82 triệu lượt hành khách, giảm 66% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,44 triệu lượt hành khách, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Khách bình quân/lượt năm 2020 đạt 45,6 hành khách/lượt tăng 6,5% so với năm 2019; năm 2021 đạt 23 hành khách/lượt giảm 49,6% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 45,5 hành khách/lượt, tăng 97,7% so với năm 2021.

Khách bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển tới trên 100 hành khách.

Đáng chú ý, sản lượng khách đi vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT (là đối tượng đi lại thường xuyên trên tuyến) cao nhất toàn mạng: năm 2017 là 1,6 nghìn người/tháng, năm 2018 là 2,2 nghìn người/tháng, năm 2019 là 2,1 nghìn người/tháng (chiếm 7,8%-7,6% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng).

Doanh thu thực hiện của tuyến luôn ở mức cao trong toàn mạng, năm 2017 đạt 25 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); năm 2018 đạt 27,5 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); năm 2019 đạt 24,8 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng).

Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 chỉ là 26,6% thấp thứ hai toàn mạng; năm 2019 tỉ lệ này là 36,6%, thấp thứ nhất toàn mạng. Doanh thu năm 2020 đạt 15,2 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); doanh thu năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng). Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2020 là 48,6%, thấp thứ nhất toàn mạng; năm 2021 tỉ lệ này là 65,2%, thấp thứ nhất toàn mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.