Xã hội

Hà Nội: Biệt thự ồ ạt mọc trên đất nông trường

16/12/2020, 07:00

Những căn nhà kiên cố, trong đó có những căn biệt thự mọc trên đất nông trường không hề bị xử lý hay cưỡng chế.

img

Những công trình được xây dựng trái phép trên đất nông trường nhưng vẫn ung dung tồn tại

Mặc dù bị phát hiện từ sớm, xong những căn nhà kiên cố, trong đó có những căn biệt thự mọc trên đất nông trường vẫn được hoàn thiện và ung dung tồn tại cho đến nay, không hề bị xử lý hay cưỡng chế.

Vi phạm gần 1 năm vẫn chưa xử lý

Thời gian qua, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng ồ ạt xây dựng nhà trái phép trên đất nông trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ (nông trường), thuộc xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, trên diện tích đất nông trường nằm ven Hồ Suối Bơm, đối diện Khu nghỉ dưỡng Tản Đà Spa Resort, gần chục ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng thiết kế hiện đại, mái kiểu nhà Thái nhau mọc lên san sát. Nhiều diện tích đất trồng cây được san phẳng, lộ màu đất đỏ của đồi.

Trả lời Báo Giao thông, ông Nguyễn Gia Tuệ, Chủ tịch UBND xã Vân Hoà xác nhận, diện tích đất trên là đất của nông trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giống bò và đồng cỏ Ba Vì. Phần công trình thấp tầng trái phép là của bà Vũ Tú Lan (trú Hà Nội, là quản lý của Khu nghỉ dưỡng Tản Đà Spa Resort).

Theo nội dung tờ trình của UBND xã Vân Hòa gửi huyện Ba Vì do ông Tuệ cung cấp, bà Lan nhận giao khoán đất Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì từ năm 2003, diện tích 35.750m2 (trong đó đất sản xuất 35.000m2, đường đi 750m2). Mục đích đất giao khoán để trồng cỏ chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, bà Lan đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 1.538m2 đất trồng cây sang phi nông nghiệp.

Theo ông Tuệ, các công trình thấp tầng kể trên triển khai xây dựng từ tháng 5/2019. Sau đó địa phương đã lập biên bản và đình chỉ. Tuy nhiên, tháng 10/2019, sau khi ông Tuệ giữ chức Chủ tịch UBND xã, xã phát hiện các công trình trên cố tình vi phạm và xây dựng nhiều hơn.

Trên cơ sở đề xuất của xã Vân Hoà, đầu năm 2020, UBND huyện Ba Vì ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lan với số tiền 22,5 triệu đồng, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng. Thời gian thực hiện 30 ngày từ ngày, kể từ ngày 17/1.

Tuy nhiên, cho đến nay đã gần 1 năm trôi qua, các công trình trên vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ông Tuệ cho biết, đến nay các công trình sai phạm chưa có quyết định cưỡng chế hay xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Hàng loạt công trình trái phép

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đồi M3 thuộc thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì khi mới đây, người dân thôn Hoàng Long phát hiện hàng loạt công trình xây dựng trái phép.

Anh Nguyễn H., người dân thôn Hoàng Long cho biết, khu vực đồi M3 rộng hàng trăm ha trước đây được giao cho Xí nghiệp gà giống trứng dòng thuần Ba Vì quản lý với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Sau đó, xí nghiệp chuyển nhượng hàng chục ha đất cho một số cá nhân. Tuy nhiên khi nhận chuyển nhượng, họ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hàng loạt công trình trái phép.

Công chức địa chính xây dựng xã Tản Lĩnh thừa nhận, tại khu vực đồi M3 có tổng cộng 12 công trình nhà ở trái phép. Trong đó, 11 công trình đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, năm 2019 toàn huyện Ba Vì có 6 công trình vi phạm trật tự xây dựng; 39 công trình vi phạm đất đai, hành lang giao thông đường bộ trên địa bàn 14 xã. Còn từ đầu năm đến tháng 6/2020, trên toàn huyện có 48 trường hợp vi phạm, trong đó có 46 trường hợp vi phạm đất đai, 2 trường hợp vi phạm hành lang giao thông đường bộ.

Để làm rõ việc xử lý vi phạm và trách nhiệm cán bộ trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn, PV đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND huyện và Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ba Vì, tuy nhiên hai vị này khất lần khất lượt, đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.

Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà, khi nông trường, trạm trại giải thể hoặc sáp nhập, diện tích đất trồng cây chưa giao cho ai thì phải trả về cho địa phương. Đối với diện tích đã giao khoán thì giao hồ sơ cho địa phương quản lý. Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

“Việc để xảy ra hoạt động xây dựng trên đất nông trường, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để công trình xây dựng trái quy định”, luật sư phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.