Quản lý

Hà Nội cấm xe máy, phương tiện nào sẽ thay thế?

09/12/2021, 16:24

Hà Nội dự kiến cấm xe máy vào nội đô năm 2025, người dân lo ngại khi đó phương tiện công cộng có đảm bảo thay thế...

Tăng gấp đôi phương tiện xe buýt, thêm metro đưa vào khai thác

UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất cấm xe máy từng bước theo phạm vi đường vành đai bắt đầu sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Nhiều người băn khoăn, khi Hà Nội cấm xe máy, người dân sẽ có phương tiện công cộng gì để thay thế?

Chuyên gia giap thông TS. Phan Lê Bình bày tỏ: “Hà Nội cấm xe máy vào nội đô sớm hơn 5 năm thì căn cứ trên những lý do gì? Cấm xe máy người dân phải sử dụng phương tiện khác, vậy phương tiện khác là gì, có đủ hay không? Phương tiện khác thay thế xe máy có thể là xe buýt, tàu điện, ô tô cá nhân và taxi, taxi công nghệ. Những phương tiện để thay thế xe máy có đủ điều kiện để đáp ứng không?”.

img

Hà Nội mới chỉ có tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), UBND TP.Hà Nội nêu, đối với đường sắt đô thị, đến năm 2025, Hà Nội dự kiến 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động (tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông và đoạn tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc), đáp ứng 3 - 4,5% nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến sẽ kịp khai thác năm 2025. Còn lại tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc chưa khởi công xây dựng và khó có thể hoàn thành trong năm 2025.

Đến năm 2030, Hà Nội dự kiến có 4 - 5 đoạn tuyến đường sắt đô thị nữa đi vào hoạt động gồm: tuyến số 2: Đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km; Đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình 5,9km; Tuyến số 3: Đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, Hoàng Mai: 8,7km. Khi có đầy đủ các tuyến này sẽ đáp ứng 8 - 10,3% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Mặc dù vậy, tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đường sắt đô thị này đều đang bị chậm và khả năng hoàn thành vào năm 2030 là không cao.

Liên quan hệ thống xe buýt, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện Hà Nội có 140 tuyến, với hơn 2.086 xe có sức chưa trung bình 60 chỗ.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng gấp đôi lên từ 4.000 - 4.500 xe, tỷ lệ đảm nhận của xe buýt từ 16-18%.

Năm 2030, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 25%, tương ứng cần khoảng từ 6.700 đến 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ.

Với xe taxi, xe hợp đồng, du lịch dưới 9 chỗ nhằm hỗ trợ VTHKCC khối lượng lớn hình thành, dự kiến số lượng phương tiện phát triển đến năm 2025 khoảng 73 - 100 nghìn xe; năm 2030 từ 79 - 108 nghìn xe.

Cùng đó, Hà Nội cũng xây dựng hệ thống xe đạp công cộng trong đó phát triển hợp lý xe đạp công cộng để kết nối nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt, BRT, đường sắt đô thị...).

Cần giải pháp để phương tiện công cộng đi nhanh hơn

Chiều 9/12, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (Hà Nội) cho rằng, muốn hạn chế xe cá nhân phải phát triển phương tiện công cộng, tạo ra hệ thống giao thông công cộng có lợi thế hơn khi so sánh so với phương tiện cá nhân.

"Lợi thế so sánh cao nhất chính là thời gian đi lại của người dân chi cho việc đó, thành phố cần có giải pháp để vận tải công cộng đi nhanh hơn phương tiện cá nhân. Muốn đi nhanh được phải có đường dành riêng và các đường đó đảm bảo không bị chiếm dụng", ông Thông nói.

Về kế hoạch đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng gấp đôi lên từ 4.000 - 4.500 xe, tỷ lệ đảm nhận của xe buýt từ 16-18%, ông Thông nói: "Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng được lượng xe để hoàn thành chỉ tiêu. Song vấn đề các tuyến đường có "cõng" được chừng đó phương tiện không, các phương tiện đó đi lại thế nào là điều người làm VTHKCC đang rất trăn trở".

TS. Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông cho rằng, thời điểm từ nay đến năm 2025 không còn nhiều, lúc đó Hà Nội chưa thể mở đủ 3 tuyến tàu điện như kế hoạch (bởi tuyến Cát Linh - Hà Đông mất khoảng 10 năm mới có thể vận hành).

Đường sắt trên cao vẫn phải làm ở các trục chính, nhưng giao thông cho xe buýt, các cỡ xe buýt vẫn phải là vấn đề cốt lõi. Bởi xe buýt ngoài việc chuyên chở còn là phương tiện giải toả hành khách từ các bến tàu điện, bến xe về các khu dân cư và ngược lại.

"Hà Nội cần nghiên cứu để quy hoạch lại. Việc quy hoạch này không nên dùng tư tưởng, giải pháp suy diễn ngồi giơ tay với nhau, mà phải có sự can thiệp của cuộc cách mạng 4.0 để có thể có những dữ liệu đầy đủ, chính xác hơn để mô phỏng được toàn bộ quá trình hoạt động giao thông”, ông Tạo nói.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Hà Nội chỉ nên dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng được ít nhất khoảng 60% đi lại của người dân. Hà Nội hiện vẫn đang mất cân đối về tỷ lệ sử dụng xe buýt và xe máy, ô tô. Hiện chỉ có 0,16 phương tiện xe buýt/1.000 dân, trong khi 49,8 xe con/1.000 dân và tới 628 xe máy/1.000 dân.

"Để đảm bảo điều kiện trên, đến 2030 Hà Nội cần có 8 tuyến đường sắt đô thị, 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, hơn 50.000 xe hợp đồng, khoảng 20 tuyến buýt mini và 10.000 xe đạp công cộng", vị này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.