Xã hội

Hà Nội chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, báo cáo trước 20/11

31/10/2019, 18:57

TP Hà Nội đạo các đơn vị tập trung triển khai một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của thành phố.

img
Đàn dê tự do xuống uống nước đầu nguồn vào nhà máy nước sạch sông Đà

Sau sự việc hàng vạn hộ dân TP Hà Nội sử dụng nước sạch sông Đà ô nhiễm bởi dầu thải, hôm nay 31/10, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản số 4779 chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của TP.

Theo đó, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng hệ thống cấp nước sạch toàn TP (trừ các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng).

Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm Quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch (như Trung tâm Điều độ điện của ngành điện lực), trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành.

Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới trung tâm này, báo cáo UBND TP trong tháng 12/2019.

Sở TN&MT chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an TP chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019.

Ngoài ra, Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất UBND TP văn bản pháp lý quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất cung cấp, phân phối nước sạch với TP, báo cáo trước ngày 20/11 tới.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế gồm 109 chỉ tiêu. Trong đó, nhóm A gồm 14 chỉ tiêu thực hiện xét nghiệm hàng tuần, chỉ tiêu B định kỳ 6 tháng/lần và các chỉ tiêu C định kỳ 2 năm.

Sự cố để dầu lọt qua hệ thống xử lý nước sông Đà đi vào ống dẫn về từng hộ dân là bài học cảnh báo về trách nhiệm của nhà máy nước. “Kiểm soát chất lượng nước nhóm A hiện nay thực hiện tuần một lần, trong khi nước cấp đến người dân hàng giờ hàng phút đang là vấn đề tồn tại cần khắc phục. Phải lắp thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại kiểm soát chất lượng nước đầu vào, ra hàng giờ, hàng phút để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân”, ông Tứ đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.