Điều tra

Hà Nội: Chính quyền tiếp tay "xẻ thịt" di tích quốc gia?

15/05/2014, 06:50

Đình Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1993 và được khoanh vùng bảo vệ.

Đại diện BQL di tích đình Đại Mỗ bức xúc về công trình vi phạm đất đình
Đại diện BQL di tích đình Đại Mỗ bức xúc về công trình vi phạm đất đình
 
Đất di tích thành... đất giãn dân


Dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” khu vực có công trình xâm phạm di tích, ông Nguyễn Văn Huấn (Phó ban di tích đình Đại Mỗ) cho biết, năm 2008, ông Đinh Quang Vinh (sống tại xóm Đình, xã Đại Mỗ) xây dựng nhà ngay trên thửa đất thuộc Khu vực bảo vệ I (vùng bảo vệ đặc biệt, cấm xâm phạm) của di tích. Tại thời điểm đó đã có nhiều đơn tố cáo việc xây dựng không phép, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, nhưng ngôi nhà của ông Vinh vẫn xây cao đến tầng 2. Từ đó đến nay, mặc dù người dân liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng thế nhưng công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại...
 

"Thông báo phá dỡ nhà ông Vinh của UBND huyện Từ Liêm chỉ nhằm mục đích an dân, thông báo để biết thôi, chứ cũng chẳng làm gì được”.

 

Ông Trần Gia Dũng 
Cán bộ địa chính phường Đại Mỗ

Tuy nhiên, theo điều tra của PV Báo Giao thông, năm 1988, do không có kinh phí xây dựng hậu cung của đình Đại Mỗ nên một số cụ cao tuổi trong làng đã họp và nhất trí bán lô đất khoảng 256m2 ở phía sau đình cho ông Ngô Như Phú. Nhưng việc mua bán trái phép này sau đó lại được Phó Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Đỗ Tiến Sơn (hiện là Bí thư Đảng ủy phường Đại Mỗ) đồng ý và tạo “điều kiện” để đôi bên hợp thức hóa các thủ tục cần thiết. Đến năm 2002, ông Phú chuyển nhượng lô đất trên cho gia đình ông Đinh Quang Vinh - bà Phạm Thị Kim Phương và lại được ông Đỗ Tiến Sơn (khi đó là Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ) ký xác nhận. 

Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi năm 2008, ông Vinh làm “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Để hợp thức hóa thủ tục, ông Sơn còn xác nhận nguồn gốc của lô đất trên là “đất giãn dân”. Việc này khiến người dân địa phương không khỏi bức xúc, vì tính đến thời điểm ông Sơn ký xác nhận, vùng bảo vệ di tích đã được xác lập trước đó 9 năm. Cùng năm đó ông Vinh xây nhà kiên cố tại thửa đất nói trên, các hộ dân đã phản đối quyết liệt vì công trình xâm phạm khu vực bảo vệ I của di tích. “Chính quyền không những chẳng xử lý triệt để vi phạm, mà còn còn tiếp tay cho sai phạm khi yêu cầu gia đình ông Vinh tiếp tục hoàn thiện giấy phép để tiến hành xây dựng”, ông Nguyễn Tuất - Thư ký ban lễ hội đình Đại Mỗ đến nay còn chưa hết bức xúc cho biết.

Lãnh đạo địa phương đẩy trách nhiệm 


Trước những đơn thư khiếu nại của người dân Đại Mỗ, các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm đã vào cuộc kiểm tra hiện trạng di tích đình Đại Mỗ. Sau khi xác minh, các cơ quan này đều đã ra văn bản khẳng định: Ngôi nhà hai tầng kiên cố của gia đình ông Vinh nằm hoàn toàn trong khu vực bảo vệ I di tích đình Đại Mỗ. Việc xây dựng trái phép nêu trên đã vi phạm vào Điều 32 (Luật Di sản văn hóa); vi phạm Điều 10 (Luật Xây dựng); vi phạm Khoản 3, Điều 6 (Nghị định 126/2004/NĐ-CP của Chính phủ)… Ngày 21/5/2008, UBND huyện Từ Liêm đã có văn bản yêu cầu UBND xã Đại Mỗ xây dựng kế hoạch tổ chức phá dỡ ngôi nhà vi phạm trên của gia đình ông Vinh theo thẩm quyền quy định của pháp luật xong trước ngày 15/6/2008. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, chính quyền phường Đại Mỗ vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên khiến nhiều người trong Ban Quản lý di tích đình Đại Mỗ và người dân địa phương ở đây bức xúc và tiếp tục gửi đơn thư khiếu kiện lên các cơ quan chức năng cao hơn.


Ngày 14/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Tiến Sơn (nay là Bí thư Đảng ủy phường Đại Mỗ) đã phủ nhận hoàn toàn những kết quả xác minh, kết luận trước đó của UBND huyện Từ Liêm, các cơ quan chức năng ngành Văn hóa. Ông Sơn khẳng định, vi phạm về xây dựng tại đình Đại Mỗ là do thời kỳ đó quy hoạch đất đai còn nhiều quy định lỏng lẻo, chưa rõ ràng trong việc khoanh vùng di tích lịch sử. “Lúc đó, cả thôn, xóm cũng có quyền được cấp đất, đất đai hồi đó rẻ lắm làm gì có ai quan tâm đâu? Người ta xin còn được cơ mà” - ông Sơn nói. 


Trong khi đó, ông Trần Gia Dũng, cán bộ địa chính phường Đại Mỗ cho rằng, vi phạm ở đình Đại Mỗ là do ngành Văn hóa đã “khoanh nhầm”. “Diện tích đất của nhà ông Vinh hiện tại không nằm trong vùng di tích. Đất này cũng không phải đất nhảy dù, cũng không phải lấn chiếm mà trước đó đã được các cụ trong làng bán cho ông Phú (theo hình thức úp bát), sau này ông Vinh mua lại. Do đó, việc bảo đất này xâm phạm di tích là không có cơ sở”. 


Điều này lý giải vì sao 6 năm qua, chính quyền địa phương không tiến hành cưỡng chế giải tỏa vi phạm ngôi nhà của ông Vinh theo chỉ đạo của UBND huyện Từ Liêm. Ngay cả ông Bí thư Đảng ủy phường Đỗ Tiến Sơn cũng khẳng định, ngôi nhà của gia đình ông Vinh được mua lại từ người chủ trước, có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xử lý được. “Giờ mà phá dỡ thì phải đền bù cho người ta. Trong khi ngân sách phường lấy đâu ra mà đền. Vụ việc này hiện rất khó giải quyết, cấp cơ sở giờ chỉ biết bó tay” - ông Sơn nói.
 

Huyện Từ Liêm (cũ) cùng cơ quan văn hóa của TP  Hà Nội và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định, di tích đình Đại Mỗ đã bị xâm phạm và công trình xây dựng là trái phép. Thế nhưng, chính quyền phường lại không thể “động vào”, bởi chính họ đã “hợp thức hóa” mảnh đất vi phạm.

 

Đình Quang - Minh Thành
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.