Kinh tế

Hà Nội: Chung cư trên "đất vàng" thành hoang phế

22/05/2018, 13:30

Chung cư cũ số 93 Láng Hạ được đánh giá là khu “đất vàng” nay trở thành bãi chứa rác thải, gây ô nhiễm...

8

Người dân thường xuyên xả rác thải vào chung cư cũ L1, L2 số 93 Láng Hạ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị

Dự án cải tạo xây dựng lại hai khu chung cư cũ L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội khởi động nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được triển khai thi công. Chung cư cũ ngay giữa khu “đất vàng” nay trở thành bãi chứa rác thải, gây ô nhiễm...

Dự án chậm triển khai, chung cư thành khu nhà hoang

Có mặt tại khu chung cư cũ L1, L2 số 93 Láng Hạ đối diện cầu vượt Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), PV nhận thấy chung cư này đang xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi bị bỏ hoang, chứa rác thải, mất mỹ quan đô thị. Từ ngoài đường Láng Hạ, nhìn quanh khu chung cư cũ 5 tầng L1, gần như toàn bộ tường nhà bị bong tróc nham nhở, rêu phủ xanh.

Khu vực lan can của các căn hộ có nhiều đồ đạc vứt vung vãi chưa được dọn dẹp. Vào sâu bên trong, đồ đạc của các hộ dân đã di dời còn sót lại vứt ngổn ngang. Bên trong tầng 1, nhiều căn hộ trở thành nơi chứa rác thải, mùi nồng nặc, rất khó chịu. Toàn bộ dãy hành lang dài, sâu hun hút với những mảnh gạch vỡ, kết cấu bê tông xuống cấp nghiêm trọng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với khu chung cư L2 đối diện. Riêng ở tầng 1, nhiều căn hộ bị đập vỡ vụn, chứa đầy rác. Có nơi còn được tận dụng để ô tô.

Theo tìm hiểu của PV, dự án cải tạo xây dựng lại 2 khu chung cư cũ L1, L2 do Công ty CP Bất động sản Vinaconex làm chủ đầu tư, được khởi động cách đây nhiều năm. Dự án có quy mô diện tích xây dựng là 2.582m2 với tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ chung cư 27 tầng cộng thêm 3 tầng hầm. Nguyên nhân khiến khu chung cư cũ nằm trên khu “đất vàng” thành nơi bỏ hoang, chứa rác thải là do vướng mắc trong GPMB. Cụ thể, một số hộ dân vẫn quyết định bám trụ do chưa thỏa thuận đền bù xong với chủ đầu tư. 

Ông Nguyễn Văn Chiến (ở tại khu nhà L2) cho biết, hiện đã có hơn 100 hộ dân chuyển đi. Hơn chục hộ còn lại vẫn kiên trì bám trụ là do chủ đầu tư bồi thường không tương xứng. “Giá căn hộ tầng 1 khi chúng tôi mua vào cao gấp 1,5 lần so với tầng 5. Tuy nhiên, khi bồi thường chủ đầu tư lại đưa ra mức giá bằng nhau”, ông Chiến nói. 

Ông Hoàng Đạt, Tổ trưởng Tổ dân phố số 21, Láng Hạ cho biết thêm, hiện còn 12 hộ dân chưa di dời do chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng, đền bù theo quy định. Đầu năm 2016, Tổng công ty Vinaconex cùng đại diện UBND phường Láng Hạ có tổ chức một cuộc họp với các hộ dân về phương án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ, thống nhất đẩy nhanh tiến độ GPMB, phấn đấu đến ngày 30/9/2016 khởi công dự án. Tuy nhiên, sau 2 năm dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” và trở thành nơi bỏ hoang, chứa rác như hiện nay.

Dứt điểm GPMB trong quý III/2018?

Phía chủ đầu tư, đại diện Vinaconex cho biết, sẽ tiếp tục vận động thuyết phục, đối thoại với 12 hộ dân còn lại tại dự án để thống nhất phương án đền bù, đồng thời phối hợp tích cực với các cấp có thẩm quyền triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ GPMB để có thể khởi công dự án vào quý III năm nay.

“Chỉ vì vướng mắc GPMB của 12 hộ nói trên, dự án đang bị chậm tiến độ. Điều này đi ngược lại nguyện vọng của đại đa số hộ dân là dự án sớm được khởi công, người dân sớm được tái định cư trở lại, ổn định cuộc sống lâu dài. Hiện nay, các hộ đã di dời đang phải tạm cư ở nơi khác và chúng tôi hỗ trợ tiền thuê nhà. Mỗi tháng, ước tính chúng tôi phải chi hơn 700 triệu đồng tiền hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân. Dự án càng chậm, chủ đầu tư càng thiệt hại”, đại diện Vinaconex cho biết.

Cũng theo đại diện Vinaconex, dự án Cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2011. Dự án tới nay đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận điều chỉnh phương án kiến trúc công trình. Bộ Xây dựng cũng đã thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật công trình. Chủ đầu tư đã tổ chức lập xong thiết kế bản vẽ thi công cho công trình dự án. Dự án cũng đã bắt đầu triển khai công tác GPMB từ giữa năm 2015.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, để dự án nhiều năm bỏ không, trở thành nơi chứa rác như vậy, rõ ràng cần xem lại năng lực của chủ đầu tư. Tại sao chỉ còn hơn chục hộ dân mà không giải phóng mặt bằng dứt điểm. Dự án chậm tiến độ, “đẻ” ra nhiều hệ lụy. Thanh tra Xây dựng cần vào cuộc, không thể tiếp tục để hoang phí, gây mất mỹ quan đô thị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.