Hạ tầng

Hà Nội có nên tiếp tục xén vỉa hè, dải phân cách?

11/07/2019, 10:00

Hà Nội vẫn tiếp tục lên phương án xén dải phân cách, vỉa hè trên hàng loạt tuyến phố bất chấp kết quả không như mong muốn khi cắt, xén trước đó.

img
Đường Nguyễn Chí Thanh - tuyến đường rộng nhất thủ đô sau xén dải phân cách vẫn thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc (Trong ảnh: Ùn tắc kéo dài trên đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ nút giao với Đê La Thành đến nút giao với đường Láng)

Sau xén vỉa hè, đường tắc vẫn hoàn tắc

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong giờ cao điểm sáng 5/7 trên hàng loạt tuyến đường đã được Hà Nội thực hiện xén dải phân cách, vỉa hè, giao thông vẫn rất “căng thẳng”. Đường rộng nhưng người xe đều ken kín. Đáng nói, trong danh sách điểm đen ùn tắc nghiêm trọng, vẫn có mặt những tuyến đường đã được xén vỉa hè.

Được xén dải phân cách dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, đường Nguyễn Chí Thanh trở thành một trong những tuyến đường rộng nhất Hà Nội khi có bề rộng mặt đường lên đến 20 - 22m. Tuy vậy, giao thông trên tuyến đường này vào giờ cao điểm vẫn rất khó khăn. Đoạn từ Đê La Thành đến nút giao với đường Láng dù được xén bớt dải phân cách khoảng 16m, xong vẫn có mặt trong danh sách điểm đen ùn tắc mới được Hà Nội công bố.

Tiếp nối với tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đường Trần Duy Hưng trước đó dải phân cách cũng được Hà Nội thu hẹp hàng chục mét chỉ còn lại khoảng hơn 2m, tuy vậy tuyến đường huyết mạch vào trung tâm thành phố vẫn thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc, thậm chí có những đoạn ùn tắc nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm, sợ muộn giờ làm, nhiều phương tiện phải cua tay lái lên vỉa hè phía trước Bộ KH&CN để vượt các phương tiện đứng dưới lòng đường.

Tương tự, trên các tuyến đường mới được thu hẹp dải phân cách, vỉa hè dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 như Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), tình hình ùn tắc vẫn đâu hoàn đấy.

Thường xuyên đi qua đường Nguyễn Xiển, anh Nguyễn Văn Bằng (Thanh Liệt, Hà Nội) cho biết, từ ngày lòng đường Vành đai 3 được mở rộng, giao thông vẫn không được cải thiện nhiều. Ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu - Lê Văn Lương vào giờ cao điểm vẫn tắc đường triền miên.

Ảnh hưởng tới tiêu chuẩn của một đô thị văn minh?

img
Đường Khuất Duy Tiến ùn tắc, mặt đường tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Tố Hữu không đủ để các phương tiện lưu thông nên xuất hiện cảnh phương tiện rẽ qua dải phân cách chờ đèn đỏ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc xén dải phân cách, vỉa hè được Hà Nội thực hiện theo đúng nguyên tắc. Đây cũng là giải pháp nằm trong kế hoạch phát triển các phương tiện công cộng, hạn chế ùn tắc trong tương lai.

“Hàng loạt các tuyến phố trước đây chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp tổ chức lại giao thông nhưng hiệu quả giảm ùn tắc không cao. Do vậy, chúng tôi buộc phải sử dụng giải pháp mở rộng lòng đường bằng xén vỉa hè, dải phân cách”, ông Viện nói và cho biết thêm, theo Luật GTĐB, một trong các giải pháp tổ chức giao thông để tuyến đường không ùn tắc là tuyến đường đó phải có bề mặt đủ rộng.

Năm 2019, Hà Nội dự kiến xén vỉa hè và dải phân cách 15 tuyến đường. Cụ thể, xén vỉa hè 3 tuyến, chiều rộng xén trung bình một bên từ 7m xuống còn 3m; xén dải phân cách 12 tuyến đường, chiều rộng xén thu hẹp trung bình từ 11,5m xuống còn 4m như: Liễu Giai, Văn Cao. Sau khi xén mở rộng lòng đường, tuyến này sẽ đồng bộ với trục đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đã được xén dải phân cách trước đó. Để thực hiện việc mở rộng đường, Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển gồm: 1.900 cây xanh; 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm, nổi liên quan nằm trong phạm vi dự án...


“Chúng tôi đã triển khai giải pháp hạn chế phương tiện trong giờ cao điểm như: Cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nhưng nhiều phương tiện vẫn phớt lờ biển cấm, vì thế mà giao thông vẫn ùn tắc”, ông Viện lý giải thêm và cho biết, về lâu dài, để giảm ùn tắc, ngoài xén dải phân cách, Sở GTVT Hà Nội sẽ ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, hạn chế xe cá nhân, thu phí phương tiện nội đô và đẩy mạnh vận tải công cộng.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông JICA cho rằng, việc tổ chức lại hạ tầng giao thông là điều cần thiết, tuy nhiên việc xén vỉa hè và dải phân cách cần được cân nhắc kỹ, bởi đây là việc làm tốn kém.

“Phần vỉa hè và dải phân cách có kết cấu khác hẳn với phần xe chạy. Phần đường dành cho phương tiện lưu thông phải làm theo tiêu chuẩn, từ móng, nền. Còn dải phân cách chỉ cần bó vỉa và trồng cây phía trên. Giờ mà làm đường lưu thông, lại phải làm lại từ nền móng nên rất tốn kém. Đặc biệt, nếu phía dưới dải phân cách có công trình ngầm, công việc này càng phức tạp”, TS. Đức phân tích.

Hơn nữa, theo chuyên gia này, việc xén dải phân cách hay vỉa hè chỉ dồn dòng lưu thông từ chỗ này sang chỗ khác, nghĩa là thoát ở đường đó, nhưng lại tắc ở chỗ khác. Hệ thống giao thông phải liên thông, nếu nó không liên thông được, sẽ gây ùn tắc ở những nơi tiêu thoát thấp nhất.

Cũng theo TS. Đức, việc cắt xén diện tích của vỉa hè còn ảnh hưởng tới tiêu chuẩn của một đô thị văn minh. Ở các nước phát triển trên thế giới, luôn có những quy định rõ ràng về vỉa hè, hệ thống cây xanh, đường dành cho người đi bộ. Việc xén vỉa hè càng khiến những tiêu chí này bị giảm sút, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân và nguy cơ phá vỡ quy hoạch kiến trúc hạ tầng tổng thể của thành phố.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy bổ sung thêm, nguyên nhân chính của ùn tắc không phải do đường hẹp, bởi các tuyến đường đã và đang được xén dải phân cách đa phần đều có bề mặt khá rộng chủ yếu từ 10 - 20m.

“Một kiến trúc sư chia sẻ với tôi rằng, mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, quỹ đất dành cho giao thông rất thấp trong khi nhà cao tầng ồ ạt mọc lên, quy hoạch được điều chỉnh, thậm chí giấu kín để lợi ích nhóm đã gây áp lực lớn cho giao thông nội đô”, ông Thuỷ nói và cho rằng, hàng chục tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho mỗi dự án xén dải phân cách, vỉa hè, nhưng đổi lại, ùn tắc không giảm, tốc độ không cải thiện, thảm cỏ vườn hoa ngày càng teo tóp, hàng chục nghìn cây xanh sẽ phải di dời, hàng nghìn cột đèn và công trình ngầm, nổi cũng phải dịch chuyển hoặc đập đi xây lại, dù mới trồng, mới xây chưa được bao lâu. Người đi bộ cũng phải di chuyển trên những vỉa hè bị co lại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.