Đô thị

Hà Nội cuối năm lại ồ ạt thay đá vỉa hè

18/12/2020, 07:00

Càng về cuối năm, vỉa hè nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại được đào xới, thay đá mới để chạy đua đón Tết.

img

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục được lát đá tự nhiên (Trong ảnh: Công nhân lát đá vỉa hè trên phố Trần Khánh Dư)

Tất bật thi công cuối năm

Những tháng cuối năm 2020, nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội lại thành đại công trường với những đoạn vỉa hè được xới xáo, cải tạo để lát đá mới.

Vỉa hè của Hà Nội rất đa dạng, có những nơi chỉ là nhà ở, có chỗ lại là trụ sở cơ quan, mật độ phương tiện giao thông đi trên vỉa hè nhiều hơn. Nếu việc xử lý liên kết mặt đá với lớp bê tông ở dưới không căn cứ vào thực trạng, chức năng của vỉa hè mà chỉ xử lý đồng bộ sẽ làm hư hỏng lớp mặt đá. Các viên đá cũng phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu trước khi lát. Đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây, vừa đảm bảo an toàn cho cây xanh, vừa đảm bảo sự bền bỉ của vật liệu xây dựng.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, một số tuyến đã hoàn thành “thay áo mới” như: Chu Văn An, Huỳnh Thúc Kháng…

Tại một số tuyến phố khác như: Kim Ngưu, Hòa Mã, Trần Khánh Dư, Hoàng Diệu…, công nhân vẫn đang tất bật thi công để kịp chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố trước Tết Tân Sửu 2021.

Quan sát của PV, vật liệu và cách thức thi công vỉa hè tại các tuyến phố kể trên cũng có sự khác biệt. Nếu một số tuyến phố: Hòa Mã, Trần Khánh Dư… được bố trí những viên đá bản to (kích thước 30x30cm hoặc 40x40cm) thì phố Hoàng Diệu lại chọn loại đá có kích thước 15x20cm.

Trong khi đó, tuyến phố Lương Yên lại chọn loại gạch bê tông, bề mặt có vân giả đá để thi công. Lớp nền bê tông phía dưới cũng được làm cao độ khác nhau, dao động từ 5 - 7cm.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Viết Đại, một người dân thường xuyên tập thể dục trên phố Trần Khánh Dư nói: “Nhìn người ta thi công có vẻ chắc chắn nhưng không biết có lâu bền hay được một thời gian lại chỗ trồi sụt, chỗ nứt vỡ”.

Thực tế, sự hoài nghi của người dân hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tục xuất hiện tình trạng vỉa hè được giới thiệu lát đá tự nhiên tuổi thọ tới 70 năm, song chỉ sau 2 - 3 năm lại nứt vỡ, bong bật, gây bức xúc dư luận.

Chẳng hạn như đoạn vỉa hè tại số 1167, 1107, 989, ngõ 1295 và 1289 đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai), một loạt đá nứt vỡ sau hơn 2 năm thi công. Thậm chí, trước khu vực số 811 đường Giải Phóng, vỉa hè còn bị xới tung như “luống cày” với những viên đá tróc lên thành từng mảng rộng 5 - 6m2, vỡ vụn, trơ cốt nền.

Trong khi đó, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), một trong những tuyến phố đầu tiên được lát đá vỉa hè “70 năm tuổi” vào năm 2017, giờ cũng xuất hiện những đoạn xuống cấp, lớp đá tách biệt với cốt nền, mỗi lần có phương tiện “trèo” lên, những tiếng lách cách lại vang lên, nhất là đoạn từ ngã ba Khương Đình - Nguyễn Trãi đến sân vận động Thượng Đình.

Thi công dàn trải, không tính đến đặc thù từng khu vực

img

Vỉa hè lát đá tự nhiên trên phố Giải Phóng (quận Hoàng Mai) xuống cấp nghiêm trọng sau gần 3 năm đưa vào sử dụng

Nhận định về nguyên nhân khiến vỉa hè hư hỏng sau thời gian ngắn, ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, tình trạng này xuất phát từ việc thi công hiện nay rất dàn trải, không xuyên suốt, đang làm đoạn này lại chuyển tiếp sang đoạn khác (do vướng công trình ngầm, dây thông tin…). Khi quay lại thi công, các mạch nối tiếp không được xử lý cẩn thận.

Lãnh đạo Chi cục Giám định xây dựng cũng cho rằng, tình trạng hư hỏng của vỉa hè còn có thể do gặp sự cố khó kiểm soát như mặt bằng thi công rơi vào vị trí bị rò rỉ đường ống nước, dẫn đến tình trạng rút cát ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng các lớp lót phía dưới, làm giảm độ bền của vỉa hè.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, năm 2019, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị” kèm theo Quyết định số 1303.

“Tuy vậy, đây chỉ là khung sườn để các quận, huyện có cơ sở vận dụng. Việc sử dụng loại đá nào để thi công, quận/huyện phải lựa chọn dựa trên cơ sở khảo sát thực tế, địa hình đặc thù từng khu vực, có thể tăng hoặc giảm độ dày của đá lát để đảm bảo chất lượng”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, năm 2020, qua kiểm tra 21 tuyến hè thi công, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ các tiêu chí về vật liệu thi công.

Đá lát hè sử dụng đá tự nhiên phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm đá granit và nhóm đá hoa (mable) về độ bền uốn, độ hút nước, khối lượng, thể tích…

Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát trước hiện tượng một số cơ sở khai thác sử dụng phương pháp nổ mìn dẫn đến đá lát bị om, rạn nứt ngay từ khi gia công.

Trả lời câu hỏi vì sao cuối năm lại ồ ạt lát đá vỉa hè, có phải để giải ngân cho hết vốn, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng của một quận ở Hà Nội cho biết, công tác phân bổ vốn, lập thẩm định phê duyệt dự án và đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thường cuối năm mới xong nên lúc này mới triển khai thi công.

“Thời gian phê duyệt nhanh hay chậm phụ thuộc vào quy mô dự án (cấp 1 hay cấp 2). Có dự án mất hơn nửa năm mới xong thủ tục; dự án quy mô lớn có thể kéo dài hơn nữa”, vị này nói.

Cũng câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, dù không nhất trí việc cứ cuối năm các dự án cải tạo hè phố lại thi công nhưng đơn vị không làm gì được do dự án thuộc quận, huyện quyết định. Chi cục chỉ chấn chỉnh, không cho các đơn vị cắt đá trên vỉa hè gây bụi bẩn, chỉ cho đơn vị thi công đổ bê tông vào ban đêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.