Xã hội

Hà Nội: Dân kêu cứu vì đất ở bị quy thành lấn chiếm

18/01/2021, 06:13

Gần 300m2 đất gia đình ông Tĩnh ở gần 60 năm nay bỗng được xác định là đất lấn chiếm, bị đền bù với giá rất rẻ khi thu hồi để phục vụ dự án.

img

Đất và nhà của ông Tĩnh ở từ năm 1962 có nguy cơ “mất trắng” vì UBND xã Tam Hiệp xác định là đất lấn chiếm

Ông Nguyễn Phạm Tĩnh (trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh gần 300m2 đất gia đình ông ở gần 60 năm nay bỗng được xác định là đất lấn chiếm, bị đền bù với giá rất rẻ khi thu hồi để phục vụ dự án.

Xây nhà kiên cố ở nhiều đời

Chỉ tay về ngôi nhà 3 tầng tọa lạc trên diện tích gần 300m2, ông Nguyễn Phạm Tĩnh cho biết, để có đất phục vụ dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp chuyển đổi nhiệm vụ nghĩa trang Văn Điển, UBND huyện Thanh Trì đã tiến hành thu hồi đất của nhiều hộ dân, trong đó có phần đất và nhà của gia đình ông đang sinh sống ổn định từ năm 1962.

Gia đình ông Tĩnh nhất trí chủ trương thu hồi đất để phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Văn Điển nhưng không đồng tình khi mức giá đền bù ngôi nhà 3 tầng kiên cố trên diện tích hơn 60m2 và hàng trăm mét vuông nhà xưởng, hàng quán bị định giá “rẻ như cho”.

“Diện tích đất này, bố tôi là ông Nguyễn Văn Cần xin xã Tam Hiệp để ở và buôn bán hàng nước từ năm 1962 và đã được xã đồng ý. Năm 1974, bố tôi mất đi, tôi quản lý và sử dụng.

Sau đó, gia đình tôi xây dựng nhà 3 tầng kiên cố và lán xưởng để phục vụ kinh doanh buôn bán. Nay UBND huyện Thanh Trì thu hồi đất phục vụ dự án và UBND xã Tam Hiệp xác định đất của nhà tôi lấn chiếm mà có nên chỉ đền bù tổng cộng 500 triệu đồng”, ông Tĩnh cho hay.

Theo ông Tĩnh, đây là đất sử dụng hợp pháp, việc chưa làm sổ đỏ là do cả khu vực này đều như vậy. Trong 59 năm sinh sống ở đây, gia đình ông Cần và sau đó đến ông Tĩnh không hề bị cơ quan chức năng lập biên bản hay xử phạt về hành vi lấn đất nào. Từ năm 1962 cho đến nay, gia đình ông đã nhiều lần sửa chữa, xây dựng nhà mới cũng không hề bị xử phạt hành chính hay lập biên bản.

Việc sinh sống và xây dựng nhà kiên cố của gia đình ông Tĩnh trên thửa đất này ở các thời kỳ cũng được ông Đỗ Văn Ấu, Chủ tịch xã Tam Hiệp xác định là không bị cơ quan chức năng lập biên bản hay xử phạt.

Dùng “phiếu lấy ý kiến dân cư” xác minh nguồn gốc đất

Tìm hiểu của PV, để xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của gia đình ông Tĩnh, ngày 8/7/2015, UBND xã Tam Hiệp đã lập “phiếu lấy ý kiến dân cư”.

Trong “phiếu lấy ý kiến dân cư” có đưa ra các thông tin để người dân xác nhận, đó là: Trong số gần 300m2 đất ông Tĩnh đang sử dụng, có 15m2 đất là đất nông nghiệp do UBND xã Tam Hiệp quản lý.

Ngày 18/1/1962, ông Nguyễn Văn Cần có đơn xin chuyển hàng nước trong nghĩa trang ra ngoài cổng nghĩa trang và được Ủy ban hành chính xã Tam Hiệp đồng ý. Ông Cần đã xây dựng gian hàng bán nước trên diện tích đất khoảng 15m2. Các năm 1989, 1994, 2000, ông Tĩnh đã lấn thêm số diện tích bằng với diện tích mà gia đình ông Tĩnh đang sử dụng (275m2).

Tuy nhiên, ông Tĩnh cho biết, thành phần tham gia lấy ý kiến đều là cán bộ xã Tam Hiệp và cán bộ thôn Huỳnh Cung, không có ai sinh sống gần nhà ông Tĩnh. Ngoài ra, phần lớn người được lấy ý kiến đều sinh sau năm 1962 nhưng lại xác nhận những câu chuyện có từ trước khi họ sinh ra hoặc khi họ còn rất nhỏ tuổi.

Lý giải về về việc này, ông Đỗ Văn Quyết, cán bộ địa chính xã Tam Hiệp, cũng là người ký tên vào “phiếu lấy ý kiến dân cư” này cho biết, ông xác nhận các thông tin trong phiếu là vì căn cứ vào hồ sơ và “nghe những người khác bảo thế”.

Sự không khách quan trong “phiếu lấy ý kiến dân cư” đã được UBND huyện Thanh Trì chỉ ra và yêu cầu UBND xã Tam Hiệp phải thực hiện lại.

Thời điểm hiện tại, quyết định thu hồi đất đối với nhà ông Tĩnh đã được UBND huyện Thanh Trì yêu cầu dừng thực hiện, giao cho Thanh tra huyện và UBND xã Tam Hiệp vào cuộc xác minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.