Xã hội

Hà Nội: Dân khổ cỡ nào mới chặn xe vào bãi rác Nam Sơn?

11/07/2019, 06:58

Nhiều người dân sinh sống quanh khu xử lý rác Nam Sơn cho biết, cực chẳng đã họ mới phải ra dựng lều chặn xe vào bãi rác suốt nhiều ngày.

img
Người dân căng lều bạt không cho xe chở rác vào Bãi rác Nam Sơn (Ảnh chụp sáng 4/7)

Cực chẳng đã mới dựng lều ngăn xe

Sự việc bắt đầu từ tối 1/7 và kéo dài đến chiều 5/7 khiến rác ở các quận nội thành không thể thu gom, đầy lên mỗi ngày. Lý do khiến người dân dựng lều bạt ngăn xe rác vào khu Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (đóng tại xã Nam Sơn, nơi tiếp nhận, xử lý rác chính của các quận, huyện ở Hà Nội với công suất trên 4.000 tấn/ngày) là vì họ muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường thuộc bán kính 500m của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân như đã cam kết. Ngoài ra, họ cho rằng mức bồi thường 600.000 đồng/m2 là quá thấp.

Đến ngày 3/7, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân 3 xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn về việc di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng môi trường khu xử lý rác, tuy nhiên buổi đối thoại kết thúc mà không giải quyết được khúc mắc của người dân. Vì thế, bà con không ký vào biên bản và lại tiếp tục ra dựng lều chặn xe.

Phải đến tối 5/7, sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản và đại diện UBND huyện Sóc Sơn về làm việc lại UBND xã Nam Sơn, ra tận khu vực người dân dựng lều tuyên truyền giải thích thì bà con mới chịu dỡ lều bạt cho xe rác tiến vào khu xử lý.

Theo đó, thành phố thống nhất, ngoài việc được bồi thường theo mức giá 866.000 đồng/m2, cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác, với tổng mức bồi thường không quá 500.000 đồng/m2 (đối với đất vườn, đất ao trong cùng thửa đất có nhà ở sang làm đất ở).

Đối với khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ thuộc xã Hồng Kỳ, nếu các hộ dân không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, cho phép UBND huyện Sóc Sơn sử dụng Khu tái định cư thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn (đã hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) để bổ sung quỹ tái định cư bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở.

Nếu các hộ dân vẫn có nhu cầu tái định cư trên địa bàn xã, giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố chấp thuận để bố trí tái định cư cho các hộ. Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ 1.957.508 đồng/m2.

Sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi

img
Những hộ dân sống cạnh bãi rác Nam Sơn luôn phải chịu cảnh ruồi muỗi cùng mùi hôi thối

Trong những ngày qua, PV Báo Giao thông quay trở lại khu vực Nhà máy Xử lý rác Nam Sơn và ghi nhận, người dân đã quay trở lại với công việc thường ngày, không còn dựng lều chặn xe như trước. Tuy nhiên, câu chuyện thời sự đối với họ hiện vẫn là khi nào thì nhận được đền bù và được di dời.

Kể về nỗi khổ của người dân phải sinh sống gần nhà máy rác suốt bao năm qua, bà Nguyễn Thị Chín (thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn) chia sẻ: “Nói thì khó hình dung, cứ phải sống ở đây thì mới thấy ô nhiễm đến mức nào. Cuộc sống của chúng tôi quanh năm suốt tháng phải chịu mùi hôi thối từ sáng đến đêm. Nhiều nhà có cháu nhỏ buộc phải đi sang xã khác ở nhờ. Mỗi lần nhà ai có cưới xin, giỗ chạp thì đều phải liên hệ với người của nhà máy rác tới phun thuốc trước vài ngày, không cỗ dọn ra là hàng vạn con ruồi đến ăn tranh với người ngay. Trước nhà tôi có việc, làm chục mâm cỗ nhưng khách đến nhìn thấy ruồi nhiều quá không ai dám ăn, ế cả chục mâm. Từ năm 1999 dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay họ mới giải quyết”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung (40 tuổi, ở xóm 13, thôn Xuân Thịnh), nhà sát bãi rác kể, ngày thường đã khổ, phải những hôm mưa nắng thất thường thì còn kinh khủng gấp hàng chục lần. Mỗi bữa cơm, nhiều nhà phải mắc màn để tránh ruồi muỗi bay vào hàng đàn.

Ông Trần Văn Tuấn (57 tuổi, xã Nam Sơn) cũng chia sẻ: “Nhà tôi hướng Đông Bắc, khi có gió thì mùi thối bay thẳng vào không thể tả được. Mùi hôi thối khiến không đêm nào chúng tôi ngủ trọn giấc. Chưa kể, ruồi muỗi nhiều đến độ quơ tay là có thể bắt được, nói chung rất khủng khiếp. Nhà tôi có 3 đứa cháu nội, tất cả phải đi sơ tán chứ còn sống ở đây thì không ai chắc sẽ nhiễm bệnh lúc nào”.

Đi cũng dở, ở không xong

img
Tối 5/7, các xe chở rác đã vào bãi rác Nam Sơn bình thường

Theo ông Trần Đình Sứng (79 tuổi, xã Nam Sơn), mặc dù mới đây thành phố về đối thoại nhưng đến nay người dân chưa nhận được đồng tiền đền bù nào. “Ở thì hôi thối, mà với mức giá đền bù như thế thì có đi nơi khác cũng rất khó khăn. Nói chung là đi cũng dở mà ở không xong”, ông Sứng ngao ngán.

Giữa tháng 1/2019, tình trạng rác thải ngập nội thành diễn ra trong gần một tuần khi người dân dựng lều chặn xe rác. Lý do theo người dân là vì trước đây, vào năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến đối thoại với người dân. Tại buổi đối thoại, ông Chung có hứa sẽ giải quyết nguyện vọng của bà con - di dời toàn bộ người dân trong vùng ảnh hưởng từ 0 - 500m, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước khi ông Chung về đối thoại, đã có không ít lần người dân ra dựng lều chặn xe.


Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lực, Trưởng thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn thông tin, đến nay UBND xã mới đang tiến hành xét duyệt loại đất để trình UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức giá đền bù chứ chưa thể chi trả tiền cho bà con.

Theo ông Lực, việc đền bù đất sẽ áp theo theo 5 loại đất bao gồm: đất ở, đất vườn, đất theo Nghị định 64, đất công ích do xã quản lý và đất rừng. Cụ thể, đất ở được bồi thường 866.000 đồng/m2; đất vườn trước đây 78.000 đồng/m2, nay thành phố cho phép tăng gấp 5 lần nhưng không quá 500.000 đồng/m2; đất nông nghiệp 105.000 đồng/m2, đồng thời chính quyền cho hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tăng gấp 5 lần thì hiện nay mức này khoảng hơn 600.000 đồng/m2; đất nông nghiệp do UBND xã quản lý còn gọi là đất công ích giá ban đầu 105.000 đồng/m2 không có hỗ trợ; còn đất rừng thì không có hỗ trợ đền bù.

“Mặc dù mức đền bù thấp nhưng người dân cũng không còn lựa chọn nào khác, mà phải chấp nhận. Nhưng việc này sẽ khiến công tác di dời gặp khó khăn vì với mức bồi thường đất ở thấp, người dân không đủ tiền để đi mua chỗ đất ở khác”, ông Lực nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: “Ngành chức năng huyện Sóc Sơn cũng đã tuyên truyền tới bà con sống quanh khu vực bãi rãc Nam Sơn ổn định đời sống, không ra chặn xe rác nữa. Huyện, ngành chức năng cũng đang cho thống kê rà soát cụ thể từng trường hợp đối với các hộ dân để làm thủ tục chi trả, đồng thời lên phương án đền bù, di dời các hộ dân trong diện ảnh hưởng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.