Xã hội

Hà Nội: Dân làng nghề bức xúc vì giá thuê đất tăng phi mã

09/10/2019, 06:53

Các hộ dân làng nghề đồ gỗ xã Liên Hà kéo nhau lên UBND huyện Đan Phượng phản đối việc bất ngờ tăng giá thuê đất lên tới 480%.

img
Dân làng nghề xã Liên Hà cùng nhau lên UBND, Chi cục thuế huyện Đan Phượng để kiến nghị giải quyết vụ việc

Những người dân này cho biết, 132 hộ dân làng nghề được UBND huyện Đan Phượng cho thuê với tổng diện tích hơn 8.600m2 từ cuối năm 2013, mỗi hộ được thuê từ 42-158m2 để sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Thời hạn thuê 49 năm, trả tiền hàng năm, sau 5 năm lại điều chỉnh giá một lần. Để được thuê đất, trước đó người dân bị thu hồi hơn 8,6ha đất nông nghiệp để phục vụ phát triển làng nghề và phải nộp 207.201 đồng/m2 hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng dự án.

“Hết tháng 12/2018 là hết chu kỳ đầu tiên và sang chu kỳ giá mới, nhưng đến ngày 17/5/2019, Chi cục Thuế mới thông báo thu theo giá mới. Chúng tôi giật mình vì giá mới tăng tới 480%, từ 10.575 đồng lên 50.760 đồng/m2/năm. Tìm hiểu mãi chúng tôi mới biết mức giá tăng cao vì bị thu theo giá đất thuê để làm “thương mại, dịch vụ”, chứ không phải đất sản xuất kinh doanh như trước”, ông Nguyễn Văn Thiềng và một số người dân làng nghề cho biết.

Người dân cũng cho biết đã khiếu nại Chi cục Thuế, đề nghị áp đúng theo đơn giá thuê đất của nhóm đất sản xuất kinh doanh nhưng chi cục không chấp nhận.

img
Bên trong khu sản xuất kinh doanh làng nghề đồ gỗ xã Liên Hà

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Đan Phượng khẳng định, việc áp giá thuê đất các hộ dân làng nghề nói trên theo nhóm đất “thương mại, dịch vụ” là đúng quy định pháp luật. Lý do là chi cục căn cứ vào văn bản của Phòng TN&MT huyện, xác định mục đích sử dụng đất của 132 hộ dân nói trên là “thương mại, dịch vụ”.

Tuy vậy, các hộ dân cho rằng, việc thu tiền thuê đất theo giá nhóm đất “thương mại, dịch vụ” là không có căn cứ pháp lý. Bởi, trong tất cả các văn bản của huyện Đan Phượng liên quan đến việc cho thuê đất đều ghi là đất để “sản xuất kinh doanh”, không có câu từ nào là “thương mại”. Thực tế, các hộ dân làng nghề cũng đang sử dụng đất ổn định để sản xuất kinh doanh dịch vụ nghề gỗ (làm chỗ sản xuất, nhà kho…).

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông cho thấy, trong các văn bản của UBND huyện Đan Phượng về việc cho thuê 132 hộ dân làng nghề thuê đất đều thể hiện mục đích sử dụng đất để “sản xuất kinh doanh”. Ngay cả hợp đồng cho thuê đất do Phòng TN&MT huyện Đan Phượng ký với người dân cũng ghi “đất để sản xuất kinh doanh dịch vụ”. Và theo các căn cứ trên, giá thuê đất được UBND huyện Đan Phượng khi tính giá cho thuê đất trong chu kỳ 5 năm đầu tiên cũng tính theo đơn giá đất “sản xuất kinh doanh” và các hộ dân đều nộp tiền thuê đất đúng hạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.