Đô thị

Hà Nội đề xuất hàng loạt cơ chế hỗ trợ DN vận tải ảnh hưởng Covid-19

24/06/2021, 16:14

Sở GTVT Hà Nội cho biết vừa kiến nghị UBND thành phố nhiều cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

img

Sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ - Ảnh minh họa

Sở GTVT Hà Nội cho biết đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021; đồng thời hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn. Có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phòng, chống dịch Covid-19 cho các đơn vị vận tải (phun khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn trên xe, khẩu trang, dán bổ sung các thông tin phòng, chống dịch…). Chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe thực hiện việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và các khoản chi phí khác cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe", Sở GTVT Hà Nội kiến nghị.

Cùng đó, Sở này cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện; đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Theo ông Đào Việt Long, PGĐ Sở GTVT Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021). Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021.

"Việc sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn như: lãi vay ngân hàng, thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán gây ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp", ông Long cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.