Bất động sản

Hà Nội: Dự án đắp chiếu cả thập kỷ, nghi vấn ôm đất chờ tăng giá

09/03/2021, 19:15

Giữa Hà Nội, nhiều dự án có vị trí đất vàng đắp chiếu cả thập kỷ; Chuyên gia đặt nghi vấn nhóm lợi ích ôm đất chờ tăng giá.

img

Ảnh quảng cáo dự án Tổ hợp Seven Star trên website của công ty C.E.O, trong khi trên thực tế, dự án đắp chiếu cả thập kỷ

Đất vàng bỏ hoang cả thập kỷ

Một trong những dự án bỏ hoang phải kể đến là Seven Star do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.

Liên quan việc nhiều dự án chậm tiến độ, ngày 8/3, Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định lập đoàn tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố sẽ làm Trưởng đoàn.

Đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND Thành phố.

Việc giám sát nhằm đánh giá kết quả thực hiện kết luận giám sát HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn; Tiến độ, kết quả xử lý các vi phạm và làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện xử lý vi phạm. Từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và báo cáo kết quả giám sát với HĐND Thành phố.

Nằm vị trí "vàng" giữa trung tâm quận Cầu Giấy, Seven Star được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.

Dự án có tổng điện tích 2.2ha; Tổng mức đầu tư 4.436,790 tỷ đồng; Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội.

Thế nhưng, đến nay đã ngót nghét chục năm, dự án vẫn đắp chiếu, bỏ hoang. Nhiều người dân đã tận dụng làm chỗ bán cây xanh, sân đá bóng. Mới đây tình trạng nhếch nhác này mới được giải toả.

Tình trạng tương tự diễn ra trên địa bàn quận Hà Đông. Hai tòa tháp nằm trên ô đất HH-01 cao 41 tầng, HH-02 cao 37 tầng thuộc tổ hợp Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tại khu đô thị Mỗ Lao do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư được kỳ vọng là một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo, sẽ trở thành trung tâm thương mại của quận Hà Đông và của khu vực phía Tây Nam Hà Nội. Thế nhưng sau hơn chục năm phê duyệt dự án, đến nay hai toà tháp này vẫn là bãi đất hoang. Người dân tận dụng trồng chuối, xả rác, tập kết vật liệu xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, còn nhiều dự án khác phải kể đến như: Booyoung Hà Đông, Roygent Parks Hà Nội...

Theo kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội, trên địa bàn TP đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Dù có một số nhỏ dự án đã bị thu hồi hoặc chấm dứt thực hiện trong thời gian gần đây nhưng tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây lãng phí một diện tích lớn nguồn lực đất đai đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.

Có hay không lợi ích nhóm?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, đại diện của Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O, chủ đầu tư dự án Seven Star cho biết, C.E.O chỉ là một cổ đông, chiếm tỷ lệ vốn rất nhỏ nên không có quyền quyết định tiến độ triển khai dự án.

Lý giải việc chậm triển khai gần chục lô đất hai bên đường Mộ Lao, Đại diện uỷ ban nhân dân phường Mộ Lao cho hay, do dự án điều chỉnh quy hoạch với nhiều thủ tục như thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giãn tiến độ thực hiện…

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT) cho biết thêm, bên cạnh các nguyên nhân về quy hoạch, cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư... "Ví dụ như khi thị trường hết “nóng” thì không ai đổ tiền vào, dự án không triển khai được. Chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian, xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ đấy. Có chủ đầu tư chờ hết thời hạn rồi chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác", đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay.

Dưới góc độ chuyên gia, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường nhận định: Tình trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến, không phải là hãn hữu, mà gần như tất cả các địa phương. Tại nước ta, lợi dụng sự lỏng lẻo của chính sách đất đai, các đại gia thu tiền từ đất rất lớn. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất dẫn đến Nhà nước thiệt hại rất nhiều.

Cũng theo ông Võ, chúng ta đã có quy định về xử lý các dự án treo. Theo đó, các dự án hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định luật 2013 đã rất rõ ràng, nhưng thực tế xử lý các dự án treo còn rất yếu! Dự án bỏ hoang đất dẫn đến lãng phí cũng cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm.

"Theo tôi, quản lý đất đai hiện nay vẫn rơi vào tình trạng lợi ích nhóm, từ đó giảm hiệu quả ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho người dân bị thu hồi đất. Lợi ích từ đất đang đi nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân, đi vào các nhóm lợi ích. Cần phải đưa ra tiêu chí định lượng để phê duyệt dự án, làm rõ các yếu tố khả thi, đánh giá về hiệu quả sử dụng đất thật cụ thể. Tránh tình trạng áp dụng tiêu chí giời ơi đất hỡi, không quản được các chủ đầu tư", ông Võ nêu quan điểm.

Ông Võ cũng cho rằng, Luật Đất đai quy định, mọi dự án đều phải tham gia đấu giá đất, nhưng hiện nay, các dự án chủ yếu đưa ra cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà đấu thầu dự án có sử dụng đất thì gần như là doanh nghiệp bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng đều trúng thầu hết. "Thế còn gì là đấu thầu nữa. Sự thực mà nói, nó vẫn là hình bóng của cơ chế giao trực tiếp, thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Còn hiện nay, việc đấu giá đất cho các dự án đầu tư là gần như chưa có. Chủ yếu là cấp huyện đấu giá đất phân lô bán nền thôi, chứ cơ chế đấu giá đất chưa được áp dụng cho các dự án đầu tư mà các dự án chủ yếu vẫn áp dụng phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Chúng ta chủ yếu vẫn đánh giá theo định tính. Mà chính cái định tính đó mới giải quyết vấn đề “quan hệ”, mới giải quyết được vấn đề nhóm lợi ích", vị giáo sư nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.