Xã hội

Hà Nội: Gửi xe 8 tiếng phải trả 300.000 đồng, dân bớt đi ôtô?

04/01/2018, 10:01

Tại một số khu vực lõi đô thị như quận Hoàn Kiếm, mỗi ngày người dân phải chi 300.000đ cho 8 tiếng gửi xe.

4

Các điểm trông giữ xe đồng loạt tăng giá

Giảm một nửa khách gửi xe so với trước khi tăng giá

Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 3/1, tại các điểm trông giữ xe thuộc nhiều tuyến phố của Hà Nội, nhân viên khẩn trương lắp đặt bảng giá niêm yết mới, đồng thời bố trí lực lượng trực thường xuyên để hướng dẫn và phổ biến mức giá mới đối với người dân, đặc biệt là những người ở ngoại tỉnh chưa kịp cập nhật về sự thay đổi này. Anh Cao Thế Vinh, nhân viên phụ trách điểm trông giữ xe số 2 Đinh Lễ (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) cho biết, bảng giá mới đã được đơn vị thay từ ngày 1/1/2018.

Hiện tại, đối với ô tô, phí đỗ 2 tiếng đầu là 50.000 đồng; sang tiếng thứ 3, 4 là 35.000 đồng, bắt đầu từ tiếng thứ 5 trở đi là 45.000 đồng, gửi cả ngày là 300.000 đồng/8 tiếng. So với thời điểm trước đó, mức giá này đã tăng hơn gấp đôi. Trước đây, đỗ xe ô tô 2 tiếng đầu là 30.000 đồng, đỗ cả ngày là 120.000 đồng/8 tiếng).

Vẫn còn tình trạng thu giá cao hơn quy định

Một điểm đáng chú ý theo ghi nhận của PV Báo Giao thông là dù đã áp dụng mức giá mới song trên địa bàn Thủ đô vẫn đang xuất hiện một số bãi giữ xe, chủ yếu là bãi giữ xe máy thu giá cao hơn quy định. Đơn cử như điểm trông giữ xe trên vỉa hè trước cổng Bệnh viện Việt Đức trên đường Phủ Doãn. Dù đã có tấm bảng niêm yết rõ ràng mức giá 5.000 đồng/vé/ban ngày, 8.000 đồng/vé/ban đêm song tất cả các xe máy đều bị nhân viên nhân viên ở đây thu 10.000 đồng/xe. Với cả ngàn xe gửi mỗi ngày, dễ dàng tính toán khoản tiền vượt trội mà bãi trông giữ thu được không hề nhỏ.

Đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng, vé tối là 8.000 đồng, gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng (trước đây vé ngày là 3.000 đồng, vé tối là 5.000 đồng).

“Phí dịch vụ iParking này đã làm cho lượng khách sụt giảm gần một nửa. Nếu như thường ngày, thời điểm 9h30 sáng điểm gửi xe kín chỗ thì bây giờ chỗ trống còn tương đối nhiều. Đã có 5 xe ô tô trước đây gửi theo tháng, giờ chủ xe chuyển sang đi xe máy với giá trông giữ 145.000 đồng/tháng”, anh Vinh nói và cho biết, thời gian đầu áp dụng giá mới, khi thấy xe vào, nhân viên sẽ ra hướng dẫn và thông báo về giá vé, nếu khách đồng ý mới cho di chuyển vào, tránh tình trạng xung đột, cãi cọ. Ngay ngày 2/1, một số khách đi ô tô từ tỉnh ngoài vào gửi khi thấy mức giá tăng đã phản ứng và tranh luận với nhân viên trông giữ.

Anh N.T.H., một khách hàng gửi xe trên phố Lý Thường Kiệt cho biết, nếu tính theo mức giá 300.000 đồng/8 tiếng, tiền đâu mà đi ô tô. Đó là chưa kể tiền gửi xe qua đêm ở nhà cũng như tiền xăng xe đi lại. Tính sơ sơ, chi phí “nuôi” một chiếc xe khoảng gần 10 triệu đồng, quá cao so với sức chi trả của nhiều người. “Tôi nghĩ sẽ nhiều người “sợ” đi ô tô hơn vì giá trông giữ xe quá đắt”, anh H. nói.

Việc tăng giá không chỉ khiến lượng khách sụt giảm ở khu vực lõi đô thị mà ngay cả các khu vực vành đai 3 cũng bị ảnh hưởng. Cũng trong chiều 3/1, ghi nhận tại điểm trông giữ của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trên đường Võ Thị Sáu (P. Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), PV nhận thấy còn rất nhiều chỗ trống.

Chị Vũ Thị Ngọc Bích, nhân viên tại điểm trông giữ xe khu vực Công viên Tuổi Trẻ cho biết, từ lúc tăng giá vé, lượng xe gửi theo tháng giảm đi rất nhiều. Người dân bây giờ chủ yếu gửi xe ở công viên và các bãi xe tư nhân trái phép xung quanh với mức giá chỉ khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Cũng theo chị Bích, hiện tại giá trông giữ ô tô tại khu vực vành đai 2 là 2.300.000 đồng/xe/tháng (trước đây là 1.500.000 đồng/xe/tháng). Khách hàng gửi xe theo ngày sẽ tính giá 2 tiếng đầu là 25.000 đồng/tiếng, tiếng thứ 3 là 35.000 đồng/tiếng, sang tiếng thứ 5 là 45.000 đồng/tiếng, cả ngày là 150.000 đồng.

Tăng giá để giảm phương tiện cá nhân

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, TP Hà Nội tăng mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện, mục tiêu không phải để tăng thu ngân sách, mà nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

“Việc điều chỉnh nhằm thực hiện một trong 45 giải pháp tại Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP thông qua”, ông Viện cho hay.

Cụ thể, tại các điểm trông xe theo hình thức iParking, áp dụng mức giá dịch vụ lũy tiến, giờ sau giá cao hơn giờ trước. Giờ thứ nhất và thứ hai giá 25.000 đồng/giờ; giờ thứ ba và thứ tư giá 35.000 đồng/giờ; giờ thứ năm và thứ sáu giá 45.000 đồng/giờ. Tại các vị trí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện, giá trông giữ xe giảm dần theo khu vực, từ các tuyến phố cần hạn chế ở quận Hoàn Kiếm đến đường vành đai 1, 2, 3 và các huyện ngoại thành.

“Giá trông giữ xe tại lòng đường, hè phố cao hơn so với giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe theo quy hoạch, bãi đỗ xe tập trung để khuyến khích phát triển các bãi đỗ xe hiện đại và tập trung, hạn chế việc sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện”, ông Viện nói và cho biết, đã tăng phí 300% đối với các tuyến cần hạn chế, tăng 250% đối với các tuyến phố từ vành đai 1 đến đô thị lõi; Tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 2 đến vành đai 1; Tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 3 đến vành đai 2 và giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 ra khu vực ngoại thành và TX Sơn Tây. Như vậy, bình quân tăng 2 lần trên toàn địa bàn. “Từ nguyên tắc trên, sẽ xác định chi phí để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định với mức lợi nhuận hợp lý 4,5%”, ông Viện nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.