Đô thị

Hà Nội: Khách đi xe buýt tăng dần đều hậu “bão” Covid-19

13/10/2022, 06:15

Từ khi được hoạt động 100% công suất, sản lượng xe buýt Hà Nội do các đơn vị tham gia vận hành đang dần tăng trưởng và phục hồi trở lại.

Phục hồi sau “bão” Covid-19

img

Trong 9 tháng của năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Hà Nội đạt 212,7 triệu lượt hành khách. Ảnh: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) cho biết: Tính đến hết tháng 9/2022, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Xe buýt hiện đã có mặt tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. 510/579 xã, phường thị trấn có xe buýt (đạt 88,1%).

Trong 9 tháng của năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Thủ đô đạt 212,7 triệu lượt hành khách (tăng 25,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021).

Lượng khách đi xe buýt bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu quý II/2022, ông Phương nói và cho biết thêm, quý II năm nay đã tăng 124,1% so với quý I, quý III cũng đang tiếp đà tăng trưởng.

Là một trong số các doanh nghiệp vận hành xe buýt trên địa bàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến chia sẻ, doanh nghiệp có hơn 1.300 cán bộ, công nhân viên, từ ngày 15/7/2022 đã triển khai tổ chức vận hành 16 tuyến buýt có trợ giá hoạt động với 100% công suất theo hồ sơ thầu.

Theo dõi đánh giá số liệu thực hiện sau khi dịch vụ xe buýt hoạt động với 100% công suất cho thấy nhu cầu đi lại của người dân có dấu hiệu phục hồi.

Sản lượng hành khách và doanh thu xe buýt tăng trưởng so với thời điểm trước khi điều chỉnh (sản lượng hành khách tháng 7, 8/2022 lần lượt tăng 43%, 23% so với sản lượng tháng 6/2022; doanh thu xe buýt tháng 7, 8/2022 lần lượt tăng 20%, 13% so với doanh thu tháng 6/2022).

Phía Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng khẳng định: Sau khi các hoạt động kinh tế, xã hội dần được khôi phục trở lại từ tháng 4, sản lượng hành khách mới có dấu hiệu hồi phục. Đến nay đang hoạt động ổn định trở lại.

Đồng bộ nhiều giải pháp để hút khách

Theo Tramoc, nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt sau dịch Covid-19 kéo dài, trong 9 tháng qua, thành phố đã mở mới và đưa vào hoạt động 11 tuyến buýt, trong đó có 5 tuyến kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn mạng lên 9 tuyến; điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 35 tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố.

Đồng thời, điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt đối với 8 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 14 tuyến buýt để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân…

Công tác đầu tư cải tạo hạ tầng phục vụ xe buýt cũng được quan tâm. Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố bao gồm 4.396 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 120 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.

Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh - đơn vị vận hành hàng chục tuyến buýt trên địa bàn TP khẳng định, để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, trong kế hoạch tới đây đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng tính năng thiết bị công nghệ (GSHT, camera, bộ đàm) phục vụ công tác điều hành, kiểm soát chất lượng dịch vụ, hỗ trợ hành khách; Khảo sát đề xuất điều chỉnh nhằm hợp lý hóa lộ trình tuyến, tăng tính kết nối, mở rộng vùng phục vụ tạo điều kiện thuận tiện tiếp cận xe buýt để thu hút người dân sử dụng.

Đồng thời, tiếp nhận, giải đáp và xử lý kịp thời các phản ánh, góp ý của khách hàng về chất lượng dịch vụ để có các cải tiến phù hợp đáp ứng tốt yêu cầu của hành khách; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về điều chỉnh dịch vụ, chất lượng dịch vụ xe buýt cho người dân.

Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu tuyển dụng thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao, trang bị kiến thức nghiệp vụ cho người lao động.

Áp dụng hình thức khen thưởng các lao động hoàn thành tốt các chỉ tiêu doanh thu cao, không để khách hàng phản ánh, được khách hàng khen ngợi...

Cải thiện chất lượng phục vụ

img

Lượng khách đi xe buýt tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu quý II/2022 (Trong ảnh: Hành khách đi tuyến buýt số 22B)

Là doanh nghiệp đang vận hành 70 tuyến xe buýt trên địa bàn, ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng giám đốc Transerco cho hay: Sau một thời gian dài hoạt động xe buýt phải tạm dừng và giảm tần suất dịch vụ do dịch bệnh dẫn tới thu nhập giảm, tâm lý và ý thức của một số người lao động trực tiếp bị xáo trộn, cùng với các khó khăn trong công tác vận hành nên chất lượng dịch vụ xe buýt cũng bị ảnh hưởng.

Nhận thức được vấn đề này, ngay từ quý II, Transerco đã đặc biệt quan tâm đến các chương trình đào tạo, tập huấn, chấn chỉnh chất lượng phục vụ và tổ chức các đợt đào tạo tập trung chuyên đề về ý thức vận hành của công nhân lái xe, nhân viên bán vé , ý thức chấp hành Luật GTĐB, dừng đỗ và đặc biệt là chăm sóc khách hàng nhằm từng bước cải thiện chất lượng phục vụ.

Kết quả 8 tháng đầu năm đã tổ chức được gần 350 khóa đào tạo cho hơn 6.409 lượt lao động. “Giải pháp này được chúng tôi xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Thời gian tới Tổng công ty sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều khóa đào tạo chuyên đề sâu hơn, đặc biệt là các nội dung khách hàng quan tâm, phản ánh về chất lượng dịch vụ xe buýt”, ông Thủy nhấn mạnh.

Trong khi đó, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cũng khẳng định thường xuyên kiểm tra giám sát trên tuyến.

Hiện tại, lực lượng giám sát của công ty thực hiện kiểm tra giám sát theo tuần, tháng, năm theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh công tác kiểm tra thực tế trên tuyến, qua hệ thống camera giám sát và qua hệ thống GPS được lắp đặt trên xe, công ty cũng triển khai phân công nhiệm vụ cho tuyến trưởng, tổ trưởng trên từng tuyến để theo dõi, bám sát quá trình làm việc của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Công ty đã lập 179 biên bản vi phạm các loại, Trung tâm đã lập 11 biên bản vi phạm và tất cả vi phạm đều được xử lý theo quy chế công ty, theo hợp đồng đã ký.

Các doanh nghiệp vận hành xe buýt đề xuất Sở GTVT Hà Nội sớm kiến nghị TP nâng cấp hạ tầng cho xe buýt, đặc biệt lưu ý đầu tư làn đường ưu tiên cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành, tăng vận tốc khai thác để rút ngắn thời gian chuyến đi của hành khách. Xử lý dứt điểm việc chiếm dụng điểm dừng đỗ đón, trả khách để đảm bảo vận hành phương tiện và hành khách lên xuống xe an toàn.

Bên cạnh đó, có biện pháp giảm dần việc lưu thông phương tiện cá nhân; phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, đường sắt đô thị, tăng tính kết nối giữa các loại hình để đem lại sự văn minh, thân thiện, thuận tiện cho hành khách và giảm ùn tắc giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.