Xã hội

Hà Nội: Khai hội Tản Viên Sơn Thánh

05/02/2023, 09:21

Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì vừa tổ chức khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Xuân Quý Mão 2023.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Xuân Quý Mão 2023, được tổ chức tại cụm di tích đền Hạ, xã Minh Quang.

img

Ảnh tiết mục cờ trống khai hội Tản Viên Sơn Thánh

Tại đây, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách đã tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.

img

Đông đảo nhân dân tham gia rước kiệu

Đại biểu và nhân dân cũng được thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai. Cùng với đó là các hoạt động văn hoá, thể thao, xin chữ đầu năm...

img

Một góc ảnh màn diễn văn nghệ Vua Hùng kén rể

Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì không chỉ nổi tiếng về cảnh quan tươi đẹp, "sơn thủy hữu tình", mà còn là vùng đất cổ, với không gian văn hóa đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh, vị anh hùng thời kỳ dựng nước. Tục thờ cúng Tản Viên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời của nhiều thế hệ người dân Ba Vì.

img

Chủ tịch huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng phát biểu tại lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Xuân Quý Mão 2023

Những năm qua, huyện Ba Vì luôn xác định rõ, di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tài sản vô giá giúp gắn kết cộng đồng. Do đó, huyện Ba Vì luôn quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, nổi bật là lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ.

img

Cổng lên Đền Thượng, Ba Vì

"Sau 14 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ.

img

Núi Ba Vì có 3 đỉnh, nhìn rõ từ xa vào những ngày trời quang, mây tạnh

Được biết, dãy núi Ba Vì gồm các ngọn: Đỉnh Vua cao 1.296m, Tản Viên cao 1.281m và Ngọc Hoa cao 1.120m, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh. Mặc dù tên núi là Ba Vì nhưng dân gian quen gọi là núi Tản Viên.

img

Cụm di tích Đền Trung, Ba Vì

Trong Dư Địa Chí, cuốn sách được Nguyễn Trãi soạn trong 10 ngày làm “giáo trình” dạy vua Lê Thái Tông, viết rằng: “Núi Tản Viên ấy là núi chủ (tổ) của nước Nam ta đó”.

img

Ảnh tháp Báo Thiên trên đỉnh núi Ba Vì

Tương truyền, thế kỷ thứ 9 thời Bắc thuộc, Cao Biền, một tướng tài của nhà Đường am hiểu và cực giỏi phong thủy đã từng dùng thuật trấn yểm ở chân núi Tản Viên.

Để đạt được mục đích, Cao Biền dùng cô gái đồng trinh và chuẩn bị mâm cỗ để mời thần linh. Cao Biền toan tính, khi Sơn Tinh nhập xác cô gái, hắn sẽ chém đầu cô gái như là chém chết Sơn Tinh. Nhưng Thánh Tản hiển linh, nhổ nước bọt vào mặt Cao Biển rồi bỏ đi.

Mưu kế bất thành, Cao Biền chỉ còn biết than: “Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi”.

Trong quan niệm tâm linh của phương Đông thì: “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh”. Câu thơ có nghĩa núi không phải so sánh về chiều cao mà còn tính sự thiêng liêng, có thần, tiên ngự trị. Quan niệm đó có thể dễ dàng cắt nghĩa vì sao Tản Viên thấp hơn núi Tam Đảo nhưng dân gian lại nói là "Nhất cao là núi Tản Viên, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.

Vì thiêng nên sức lan tỏa của Tản Viên Sơn Thánh rất rộng lớn. Dân gian mới xếp Thánh Tản đứng đầu trong bốn vị thánh bất tử ở Việt Nam gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Mẫu Liễu Hạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.