Đô thị

Hà Nội: "Không kịp" chờ cho phép, nhiều nhà xe "bảo nhau" tăng giá

21/03/2022, 15:39

Trong khi chờ các cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh giá cước theo quy định, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tự ý tăng giá cước.

Nhà xe "bảo nhau" tăng giá

Sau khi giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng giá, "không kịp" chờ các cấp thẩm quyền điều chỉnh giá cước theo quy định, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tự ý tăng giá cước lên từ 20% - 50% so với trước đây.

img

Xăng dầu trong nước liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định ở Hà Nội tự ý tăng giá cước

Sáng ngày 18/3, có mặt tại BX Mỹ Đình ghi nhận của PV Báo Giao thông bên trong khu vực bán vé đồng loạt các bảng điện tử thay vì niêm yết công khai giá vé đi các tỉnh theo quy định lại đang bị tắt. Trong khi đó, hoạt động mua - bán vé của hành khách và nhân viên nhà xe vẫn diễn ra bình thường.

Theo một nhân viên nhà xe tuyến BX. Mỹ Đình - Yên Bái, nguyên nhân do một số nhà xe trong bến đang điều chỉnh giá cước theo hướng tăng hơn nên tắt bảng thông tin niêm yết giá vé cũng là điều dễ hiểu để hành khách đỡ thắc mắc.

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, báo cáo Bộ báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.

Anh Vũ Ngọc Đông đi tuyến BX. Mỹ Đình - Phú Thọ cho biết, anh về Việt Trì trước đây nhà xe thu với giá 50.000 đồng theo quy định nhưng mấy tuần trở lại đây đã thu gấp đôi 100.000 đồng/vé.

“Mình cũng không biết do nhà xe họ tự tăng giá hay đã được cho phép nhưng nếu xăng dầu tăng nhà xe điều chỉnh giá lên khoảng 70.000 đồng/vé chứ như hiện tại mình thấy cao. Tới đây nếu tiếp tục tăng giá mình sẽ chuyển sang đi xe máy về nhà”, anh Đông chia sẻ.

4 - 5 nhân viên nhà xe đi các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên… có mặt tại khu vực xe khách cũng xác nhận có tăng giá vé từ 20% - 40% so với trước đây.

Tại BX.Giáp Bát, lái xe chạy tuyến Thanh Hoá tiết lộ: “Do xăng dầu tăng nên các nhà xe bảo nhau tăng giá. Như nhà xe chúng tôi trước đây thu 100.000 đồng/ vé nhưng giờ thu thêm lên 120.000 đồng/ vé. Một số hành khách đi quen họ cũng thắc mắc nhưng khi giải thích xăng tăng người ta cũng đồng tình”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số DN vận tải đang hoạt động tại BX Nước Ngầm.

Nhiều hành khách đi trên tuyến BX. Nước Ngầm - Vinh Nghệ An chia sẻ: Trước đây đi tuyến này chỉ khoảng 170.000 đồng - 230.000 đồng. Nhưng nay các nhà xe ở tuyến này đều tăng giá. Đơn cử, nhà xe Văn Minh trước đây có giá vé từ 210.000 đồng - 230.000 đồng nhưng hiện tại giá của nhà xe từ 260.000 đồng - 410.000 đồng với xe khách và xe limousine.

Từ chối phục vụ nhà xe tự tăng giá vé

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc BX Mỹ Đình xác nhận thông tin này.

"Tính đến nay, bến xe đã nhận được văn bản thông báo tăng giá vé của 5 doanh nghiệp từ 10 - 20%. Trong số này không có những DN như phản ánh của Báo Giao thông", ông Sơn nói và cho biết: Nhà xe nào tự ý tăng giá vé bến xe sẽ từ chối phục vụ.

"Sau Tết đã có một nhà xe chúng tôi đã đình tài do tự ý tăng giá vé”, ông Sơn thông tin.

Tại BX. Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe cho biết: Đến thời điểm này chưa có nhà xe nào gửi văn bản thông báo tăng giá vé tại BX. Giáp Bát, ông Thành nhận định: Có thể do lộ trình phức tạp, làm thủ tục đề xuất sau 10 ngày mới được tăng giá (đúng chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu). Nếu sau đó, giá xăng dầu giảm DN lại phải thêm 10 ngày để điều chỉnh giảm liên quan đến in ấn giá vé khá phức tạp.

“Quyền tăng giảm do các DN vận tải cân đối chúng tôi không cấm nhưng phải làm theo đúng trình tự quy định”, ông Thành nói.

Để tránh việc các DN vận tải tuỳ tiện tăng giá cước, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các DN cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai.

“Để giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm chúng tôi đã yêu cầu các bến xe trên địa bàn, Thanh tra GTVT phối hợp phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố”, ông Long yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho hay, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước để cân đối thu chi.

“Rất có thể mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này," ông Quyền nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.