Giáo dục

Hà Nội: Kỳ thi vào 10 thay đổi đột ngột, thí sinh chú ý gì để đạt điểm tốt?

03/06/2021, 17:50

Nhiều khả năng, năm nay đề không đến mức quá khó, nên "ăn điểm" ở kỹ năng trình bày và bố trí thời gian hợp lý.

img

Học sinh thi vào 10 tại Hà Nội (ảnh tư liệu)

"Đề có thể không đến mức quá khó, nên "ăn điểm" ở kỹ năng trình bày"

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết định lùi thời gian, rút ngắn thời lượng các môn thi khi còn chưa đầy 10 ngày nữa các thí sinh Thủ đô bước vào kỳ thi lớp 10 đầy cam go. Điều này khiến nhiều thí sinh lo lắng vì vốn quen với việc luyện thi với thời gian quen thuộc.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, thầy Nguyễn Mạnh Cường, GV Toán, Trường PTTH Amsterdam Hà Nội cho biết: "Việc rút ngắn thời gian thi gói gọn trong 2 buổi sáng, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tránh cho học sinh phải đi lại nhiều lần và nắng nóng. Tuy nhiên, cũng có ảnh hưởng ở góc độ các con luyện đề 120 phút với cấu trúc cũ do đó ít nhiều bỡ ngỡ.

Với phương án mới, chắc Sở cũng tính toán thay đổi mức độ khó, giảm số câu cho phù hợp với thời gian được điều chỉnh. Các con không cần quá lo lắng".

Thầy Cường cũng nhắn nhủ: "Về mặt kiến thức thi các con giữ nguyên những gì mình đã học vì cầu trúc không thay đổi. Tuy nhiên cần chú trọng làm thật kỹ bài ở mức cơ bản do vậy ôn kỹ kiến thức cơ bản, trình bày, tính toán cẩn thận để không mất điểm đáng tiếc.

Nhiều khả năng, năm nay đề cũng không đến mức quá khó, nên "ăn điểm" ở kỹ năng trình bày và cẩn thận tính toán. Làm bài đến đâu chắc đến đó".

Còn theo TS. Văn học Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHXH&NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội, việc thay đổi bất ngờ này cũng khiến phụ huynh và học sinh có chút lo lắng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chủ yếu là rút ngắn thời gian các môn thi, đó cũng không phải là vấn đề lớn nếu học sinh chủ động nắm vững kiến thức. Thông thường, trong chiến thuật làm bài hay là kỹ năng đi thi, việc phân chia thời gian để làm đủ các câu cũng rất quan trọng.

"Với việc điều chỉnh này, chắc chắn ngắn hơn, gọn hơn. Về mặt cấu trúc có thể không có bất ngờ nhiều vì kiến thức đã được gói gọn trong phần các em học. Về việc phân bố thời gian làm bài đương nhiên các em nên chủ động điều chỉnh. Khi đọc đề, một cách thủ công, các em nên phân chia thời gian cho từng câu hỏi theo số điểm đã được ghi trong đề. Ví dụ, phần I của đề Văn thường là 6-7 điểm, các em sẽ dành khoảng 60% thời gian, tương đương 50-60 phút, phần II (3-4 điểm), tương đương 30-40 phút. Việc phân chia thời gian hợp lý sẽ giúp chúng ta hoàn thành được bài thi trọn vẹn", cô Phương Lan nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Giáo viên Văn Hệ thống Giáo dục Học Mãi cũng nhận định: Với môn Văn, cấu trúc ổn định nhiều năm gần đây, nên năm năm có thể không thay đổi, nhưng dung lượng các đoạn văn nghị luận giảm xuống, giảm độ khó... Với thời gian 90 phút các con nên lưu ý đọc thật kỹ đề bài, để trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm, không lan man, dàn trải, để có thể tối ưu hóa để đạt điểm số cao.

"Với môn lịch sử, thời gian giảm 15 phút kèm theo số lượng câu, tuy nhiên cấu trúc đề thi không thay đổi, nên các con yên tâm ôn tập. Thời điểm này, các con cần tập trung rà soát kiến thức, phân bổ thời gian hợp lý", cô Trần Thị Mai, GV Sử hệ thống giáo dục Học Mãi cho biết.

Bảo đảm thời gian phù hợp để học sinh làm bài có chất lượng

Trước những thay đổi khá bất ngờ về điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội cho biết: Đề thi các môn năm nay sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình môn học, trong chương trình học sinh đã được học tập, ôn tập, phù hợp đối tượng dự thi.

Về cơ bản, phạm vi đề thi vẫn giữ nguyên như đã công bố là gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, không đưa vào các nội dung đã được giảm tải.

Đề thi môn Ngữ văn và Toán bảo đảm bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; đề thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

“Khi giảm thời gian làm bài, số lượng câu hỏi ở từng cấp độ trong đề thi cũng sẽ giảm tương ứng, bảo đảm thời gian phù hợp để học sinh làm bài có chất lượng”, ông Phạm Văn Đại nói.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của em V.T.A (học sinh lớp 10 trường THCS Lê Ngọc Hân): "Thời gian làm bài ngắn hơn, thì có thể cắt một số câu hỏi, nhưng đồng nghĩa điểm của từng câu sẽ cao hơn. Như vậy, khả năng mất điểm sẽ nhiều hơn là gỡ điểm. Mặc dù đến thời điểm này, em đã ôn được tạm đủ kiến thức để bước vào kỳ thi, nhưng sự thay đổi gấp gáp này khiến chúng em vô cùng lo lắng".

Năm nay, toàn thành phố có hơn 93.000 học sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT Hà Nội đã dự kiến bố trí 184 điểm thi và điều động hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức, phục vụ.

Thời gian thi, sáng 12/6: Thi ngữ văn 90 phút và ngoại ngữ 45 phút.

Sáng 13/6: Thi toán 90 phút và lịch sử 45 phút.

Ngày 14-15/6, thí sinh dự thi vào các trường, khối chuyên của Hà Nội và chương trình song bằng sẽ dự thi các môn chuyên và môn thi của chương trình song bằng.

Đặc biệt, theo đề xuất của Sở GD&ĐT thí sinh là F0, F1 thì tuyển thẳng. Hiện thí sinh diện F0 trên địa bàn thành phố không có, còn trường hợp F1 có 11 thí sinh. Việc tuyển thẳng không tính vào các chỉ tiêu được giao, phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, các lực lượng phục vụ kỳ thi. Vì vậy, trưởng Ban chỉ đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1; đối với xét tuyển F2 phải đảm bảo đúng người, đúng đối tượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.