Hạ tầng

Hà Nội tốn nghìn tỷ lát đá vỉa hè vừa đắt đỏ vừa gây ngập

05/11/2019, 16:02

KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội nên dừng việc lát đá tự nhiên ở vỉa hè trên các tuyến phố vì vừa xa xỉ, lãng phí lại lộ nhiều bất cập.

img
Vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh đang có nhiều đoạn xuống cấp, gây mất mỹ quan

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, hơn 900 tuyến đường tại 12 quận vỉa hè được thay thế từ gạch sang đá tự nhiên tuổi thọ đến 70 năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này vừa tốn kém, lãng phí và còn khiến Hà Nội ngập nặng hơn vì không thoát được nước.

Chi hàng nghìn tỷ lát đá tự nhiên vẫn xuống cấp

Những ngày cuối tháng 10/2019, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Trung Kính (Cầu Giấy), Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), Giải Phóng (Hoàng Mai)... có vỉa hè lát bằng đá tự nhiên vẫn đang xuất hiện tình trạng xuống cấp. Cả hàng dài vỉa hè nhan nhản vết nứt, vỡ, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Điển hình như các tuyến phố Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017, nhưng hiện cũng đang xuất hiện hàng loạt vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.

Trên đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, khi hai bên vỉa hè đa phần đang bị xô lệch, sụt lún, nham nhở. Trong đó, bên dãy nhà chẵn vỉa hè trước cửa số nhà 16, 18, 22 Trần Duy Hưng xuất hiện nhiều hố trồi sụt như ổ gà, ổ voi. Thậm chí dây cáp ngầm còn lộ thiên cùng hàng gạch vỡ trên số 48, 50, 62, 64 đường Nguyễn Chí Thanh. Tại nhiều điểm khác bên dãy nhà chẵn, hàng chục viên đá lát trên vỉa hè bị vỡ, gãy thành nhiều mảnh, gây khó khăn cho người đi bộ.

Cũng theo ghi nhận của PV, việc lát đá tự nhiên trên vỉa hè vẫn đang tiếp tục được TP Hà Nội triển khai trên nhiều tuyến đường khác. Trên đường Lê Văn Lương, một công nhân cho biết, việc lát đá được thực hiện trên tuyến đường từ đầu tháng 10/2019.

Theo Ban QLDA quận Thanh Xuân, chi phí (vật liệu) 1m2 lát đá tự nhiên có giá khoảng 300.000 đồng. Hiện, trên địa bàn quận đã lát khoảng 25.000 - 30.000m2. Tính theo mức phí trên, số tiền đầu tư vật liệu thi công đã gần chục tỷ đồng, chưa kể chi phí cho nhân công và các chi phí khác.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến đến năm 2020, hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên. Số tiền này dự kiến sẽ lên hàng nghìn tỷ đồng.

Sao không lát gạch thấm nước?

img
Vỉa hè lát bằng đá tự nhiên đang xuống cấp ở nhiều đoạn trên đường Nguyễn Trãi

Cuối tháng 3/2019, Hà Nội quyết định thiết kế mẫu hè đường đô thị ở 15 quận, huyện, thị xã. Gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block. Trong đó, 7 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai với hơn 100 tuyến phố được lát đá tự nhiên; còn lại lát gạch bê tông giả đá. Các quận được yêu cầu chịu trách nhiệm lựa chọn chủng loại vật liệu lát hè, đảm bảo rõ xuất xứ, cường độ, màu sắc bền theo thời gian và đồng bộ về mỹ quan đô thị.

Theo chuyên gia giao thông đô thị, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, nhiều tuyến phố ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vẫn đang lát vỉa hè bằng gạch block. Những tuyến phố lớn ở khu vực trung tâm Seoul, vỉa hè cũng chỉ lát bằng gạch block rất giản dị, thậm chí còn là loại gạch block đời đầu dạng “con sâu”, thứ mà Hà Nội đã dỡ đi lát lại từ lâu. “Tại sao Hà Nội lại phải phá bỏ vỉa hè lát bằng gạch block trong khi nó vẫn đang còn rất tốt và không hề xấu để thay thế bằng loại đá khác?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Theo vị chuyên gia này, việc phá bỏ vỉa hè còn tốt để lát lại bằng đá là rất lãng phí, không chỉ tốn tiền để mua vật liệu mới, thuê nhân công phá đi lát lại mà những viên gạch cũ còn tốt kia bị vứt bỏ lại trở thành rác thải phải xử lý.

Đồng quan điểm, KTS. Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, Hà Nội nên dừng việc lát đá tự nhiên ở vỉa hè trên các tuyến phố vì vừa xa xỉ, lãng phí lại lộ nhiều bất cập. Theo ông Ánh, tăng diện tích thấm nước rất quan trọng trong một đô thị khi biến đổi khí hậu trong khi đó vỉa hè lát bằng đá tự nhiên không có khả năng thấm nước như nhiều loại gạch trước đó Hà Nội đã sử dụng.

KTS. Ánh cho rằng, vỉa hè có khả năng thoát nước tốt là tối quan trọng đối với thành phố. Nó không chỉ nuôi cây xanh trên mặt đất, bổ sung nguồn nước ngầm khi thẩm thấu lâu dài, khi bốc hơi tạo nên vùng khí hậu dễ chịu hơn rất nhiều. Còn việc lát đá tự nhiên không những không có được điều đó còn gây hiệu ứng gia tăng nhiệt khi nung nấu bê tông.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội cầu đường VN cho rằng, ai quảng cáo, khẳng định độ bền của đá tự nhiên là 50 -70 năm mà mới chưa đầy ba năm đã hỏng phải làm lại. Chủ đầu tư phải xin lỗi nhân dân bởi đây là tiền ngân sách do dân đóng góp mà có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.