Đô thị

Hà Nội: Mở rộng không gian phố đi bộ nhưng phải an toàn

11/10/2020, 06:12

Hà Nội mở rộng không gian phố đi bộ, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào để vừa hấp dẫn, vừa an toàn.

img
Sau 4 năm triển khai, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm ngày càng thu hút đông đảo du khách và người dân

Những con phố đi bộ tại Hà Nội từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên, khi tiến hành mở rộng không gian phố đi bộ, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào để vừa hấp dẫn, vừa an toàn.

Tiếp tục mở rộng không gian phố đi bộ

Sau gần 4 năm triển khai, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã trở thành điểm đến văn hóa có thương hiệu trên bản đồ du lịch Hà Nội. Mỗi ngày, phố đi bộ thu hút khoảng 3.000 - 5.000 lượt khách. Con số này thậm chí còn lên tới 15.000 - 20.000 người nếu có sự kiện lớn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay: Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc tổ chức tuyến phố đi bộ ngày càng có ý nghĩa quan trọng, bởi nó không chỉ tạo ra điểm đến tham quan, thưởng thức văn hóa Thủ đô cho du khách trong và ngoài nước mà còn tạo ra không gian thư giãn cho chính người dân trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, theo ông Nam, thời điểm hiện tại, việc liên kết không gian giữa các khu vực (đi bộ, thưởng thức ẩm thực trên các tuyến phố: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện và tản bộ mua sắm trên các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy) vẫn đang bị chia cắt bởi các tuyến phố trên địa bàn phường Hàng Bạc.

Đặc biệt, việc đi vào các tuyến phố ẩm thực chỉ có cung đường độc đạo qua Hàng Ngang, Hàng Đào. Nếu chọn các hướng khác, người đi bộ vẫn phải đi chung đường với các phương tiện cơ giới, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Vì vậy, sau khi mở rộng không gian phố đi bộ sang các tuyến phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn Ô Quan Chưởng), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc… trong tương lai, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phát triển không gian phố đi bộ tại trục đường Tràng Tiền nối Nhà hát lớn.

Đặc trưng ở khu vực này là các trung tâm thương mại, cửa hàng hàng hiệu và định hướng liên kết không gian phố đi bộ hiện tại với phố bích họa Phùng Hưng, Gầm Cầu sau khi dự án đục thông vòm cầu hiện nay hoàn thành.

Vẫn lo chuyện an toàn

img
Không gian phố đi bộ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ những chiếc xe điện hoạt động “chui”

Chiều 4/10, có mặt tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh người dân, du khách ùn ùn đổ về, hòa mình vào các hoạt động từ các trò chơi vận động như: Đá cầu, trượt patin… đến các trò chơi dân gian như: Chơi ô ăn quan, nhảy dây...

Hiện nay, không gian biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ được quy hoạch tại 7 vị trí song nhiều thời điểm, các chương trình chưa mang đến cho người dân chất lượng tốt nhất do ảnh hưởng bởi tạp âm từ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố. Cơ quan chức năng cần học hỏi kinh nghiệm tổ chức phố đi bộ tại một số nước như: Pháp, Đức… quy định cụ thể về khoảng cách, vị trí biểu diễn, mức độ âm thanh giới hạn để đảm bảo hài hòa giữa các loại hình trong không gian phố đi bộ.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Nhóm Xẩm Hà Thành


Phố đi bộ càng trở nên sôi động hơn khi có sự xuất hiện của các nhóm biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, nếu khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay tập trung các nhóm nhảy, nhà bát giác phía sau vườn hoa Lý Thái Tổ, Trung tâm văn hóa Thăng Long, vỉa hè gần nhà hàng Thủy Tạ xuất hiện các ban nhạc đương đại thì khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ lại là các tiết mục nghệ thuật dân gian của Việt Nam (xẩm, chèo).

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Diệu Hoa (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, khoảng hơn 2 năm nay, phố đi bộ trở thành điểm vui chơi quen thuộc với gia đình chị vào dịp cuối tuần.

Cũng ủng hộ phố đi bộ nhưng chị Việt Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại luôn phải rất cẩn thận mỗi khi cho con chơi ở đây.

“Có lần con tôi suýt bị một thanh niên chơi trượt ván lao vào. Trò này chỉ cần mất kiểm soát sẽ rất dễ va chạm, gây chấn thương cho người khác, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, cơ quan quản lý phải xem xét bố trí một khu riêng cho người tập patin và trượt ván để đảm bảo an toàn trong khu vực phố đi bộ. Đó là chưa kể đến việc xe điện, xe cân bằng… đi lại quá nhiều”, chị Việt Hà nói.

Những phản ánh của chị Việt Hà không phải không có lý. Bạn đọc Báo Giao thông hẳn chưa quên vụ tai nạn tại khu vực phố đi bộ hồi tháng 5/2019 khi một học sinh cấp 2 đi xe đạp đâm trúng cụ bà qua đường khiến cụ tử vong.

UBND quận Hoàn Kiếm sau đó đã có văn bản yêu cầu công an quận tăng cường quản lý, không để các đối tượng kinh doanh xe điện cân bằng (2 bánh), ô tô điện (xe đồ chơi của trẻ em) hoạt động... Tuy nhiên, khoảng 16h ngày 4/10, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên phố Hàng Bài vẫn có la liệt ô tô điện, xe điện cân bằng hoạt động.

18h15, phát hiện xe lực lượng công an phường từ đường Hàng Khay đi tới, một số hộ kinh doanh nhanh chóng huy động người xếp xe chạy vào phố Tràng Tiền. Tại đây, họ tiếp tục dịch vụ cho thuê xe và chiếm luôn lòng đường Tràng Tiền làm nơi kinh doanh, bất chấp sự an toàn của những người đi bộ xung quanh.

Nhằm tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh này bố trí riêng một đội “cò” vừa có nhiệm vụ ra khu vực Hàng Bài chèo kéo khách, vừa quan sát tứ phía quá trình tuần tra của lực lượng chức năng.

Về vấn đề này, ông Nam cho biết: UBND quận Hoàn Kiếm đã giao công an các phường xây dựng kế hoạch, tuần tra, lập chốt kiểm soát. Hiện tại, hoạt động cho thuê ô tô điện, xe điện cân bằng cơ bản đã dẹp bỏ được khoảng 80 - 90%.

“Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu giải pháp chỉ cho thuê ô tô điện hoạt động tại khu vực nhất định và giới hạn số lượng xe để tránh mật độ dày đặc, gây mất ATGT”, ông Nam cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.