Xã hội

Hà Nội muốn xây vượt tầng trên đất vàng: Lo bức tử giao thông

09/01/2019, 07:31

Nếu được xây vượt tầng, số lượng người và phương tiện đổ về đây giao dịch sẽ còn khủng khiếp hơn một chung cư.

24

Nếu công trình trên 2 khu đất vàng ở Hà Nội được xây vượt tầng chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị (Trong ảnh: Khu đất vàng 45B Lý Thường Kiệt)

Theo quy hoạch khu vực nội đô phố cũ chỉ được phép xây dựng công trình cao không quá 9 tầng, nhưng mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại 2 khu đất trên tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) thuộc quy hoạch khu vực phố cũ để được phép xây công trình cao từ 12 - 14 tầng. Điều này khiến chuyên gia kiến trúc, xây dựng lo ngại sẽ phá vỡ quy hoạch gây áp lực rất lớn lên hạ tầng đô thị của thành phố.

Xây cao để “tạo điểm nhấn”?

Cụ thể, đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng của Ngân hàng SHB cao 45m, quy mô 14 tầng + 1 tum tại khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng hơn 2.200m2. Còn trụ sở văn phòng Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội được đề xuất xây trên khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000m2, quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, khu phố cũ ở quận Hoàn Kiếm được ưu tiên để xây dựng công trình văn phòng làm việc với chiều cao 4-6 tầng. Tuy nhiên, Hà Nội cho rằng, quy hoạch này cũng cho phép lựa chọn một số công trình làm điểm nhấn kèm điều kiện phải có khoảng lùi đúng quy chuẩn và các tiêu chí về chỗ đỗ xe, cây xanh, kiến trúc. Do đây là 2 công trình có chức năng văn phòng nên sẽ không làm quá tải dân số.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, cả hai khu đất nói trên đều được coi là “đất vàng” tại Thủ đô. Trong đó, khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt có 3 mặt tiền (Lý Thường Kiệt, Vọng Đức, Hàng Bài). Hiện, khu đất đang được quây kín xung quanh, bên trong là bãi trông giữ ô tô. Vào các giờ cao điểm, giao thông quanh khu vực này rất đông đúc. Trên phố Vọng Đức, thậm chí vỉa hè đã bị biến thành nơi trông giữ xe.

Còn tại khu đất 45B Lý Thường Kiệt, trụ sở Công ty CP Sách và Thiết bị Trường học Hà Nội nằm phía bên trong, ngoài mặt tiền là các cửa hàng kinh doanh sách, quần áo... Lưu lượng người và phương tiện tại khu vực này cũng rất đông đúc.

25

Bên trong khu đất vàng 31- 35 Lý Thường Kiệt là bãi trông giữ ô tô

Lo bức tử giao thông

Trao đổi với Báo Giao thông với tư cách là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc Hà Nội, KTS. Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khu vực đô thị nào cũng có điểm nhấn nhưng điểm nhấn đó phải là công trình với kiến trúc đặc biệt đem lại giá trị sử dụng, giá trị văn hóa và đóng góp cho diện mạo kiến trúc đô thị đó, chứ không phải cứ cao tầng lên là điểm nhấn. Chẳng hạn như Nhà hát Lớn, không cần cao mười mấy tầng nhưng nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ ngay tới Nhà hát Lớn.

Theo ông Tùng, việc Hà Nội khẳng định 2 công trình nói trên có chức năng văn phòng nên sẽ không làm quá tải dân số là hoàn toàn nhầm lẫn. Thậm chí, nếu được xây vượt tầng, số lượng người và phương tiện đổ về đây giao dịch sẽ còn khủng khiếp hơn cả một chung cư. “Quan trọng nhất là đã có quy định thì cứ thế mà thực hiện. Hôm nay là xây dựng văn phòng làm việc, ngày mai là văn phòng cho thuê, ngày kia khi ngủ dậy đó lại là căn hộ cho thuê, ai kiểm soát nổi việc đó?”, ông Tùng đặt vấn đề. 

Được biết, sau khi nhận được văn bản đề xuất của Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT để lấy ý kiến.  

Trong khi đó, theo Quyết định số 11 ngày 7/4/2016 về “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký thì phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) thuộc khu phố cũ Hà Nội (có ký hiệu A4) với quy định không xây dựng mới các công trình cao tầng (tức là từ 9 tầng trở lên).

Ông Tùng cũng nêu thực tế, lâu nay chúng ta không coi quy hoạch đã được duyệt như một pháp lệnh mà rất hay tuỳ tiện điều chỉnh. Quy định không được xây dựng nhà cao tầng trong nội đô do chính lãnh đạo thành phố ban hành, nhưng nay chính lãnh đạo thành phố lại đề xuất làm khác quy định là một điều rất không nên. “Chúng ta phải đặt câu hỏi là nếu giao thông trên đường Lý Thường Kiệt và khu vực xung quanh sau này bị “bức tử” bởi 2 công trình đó thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Thực tế đã xảy ra ở đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài, giao thông ngột ngạt, bí bách, ùn tắc chính là hệ lụy của hàng loạt tòa nhà cao tầng dọc hai bên đường. Để giải quyết, thành phố bỏ cả nghìn tỷ mở làn xe buýt nhanh nhưng cũng không thấm vào đâu”, ông Tùng nghi ngại.

Trong khi đó, KTS. Nguyễn Trực Luyện, nguyên Kiến trúc sư trưởng, TP Hà Nội nêu quan điểm, xung quanh khu vực Hồ Gươm, tuyệt đối không cho xây dựng nhà cao tầng. Những công trình cao tầng cần phải chuyển ra khỏi khu vực ngoại vi thành phố. “Không chỉ riêng ý kiến cá nhân tôi, mà ý nguyện chung của mọi người là cần giữ lại không gian của Hà Nội cũ, không nên thay đổi nhiều, nếu có xây cũng cho xây khoảng 2- 3 tầng”, ông Luyện nói.

Theo ông Luyện, khi ban hành quy định không được phép xây cao tầng trong khu vực phố cũ, cơ quan chức năng cũng đã tính toán, cân nhắc nhiều mặt. Vì vậy, không thể vì một lý do gì đó điều chỉnh. Nếu cho phép 2 công trình này xây vượt tầng thì tới sẽ có công trình khác xin theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.