Đô thị

Hà Nội hễ mưa là ngập vì dự án nghìn tỷ “lụt” tiến độ

07/06/2022, 10:08

Những dự án thoát nước xây dựng từ hàng chục năm trước đến nay vẫn “lụt” tiến độ nên chưa biết đến khi nào Hà Nội mới thoát cảnh “mưa là ngập".

Dự án thoát nước đua nhau “lụt” tiến độ

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội có 2 hạng mục lớn bao gồm: Xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút và đường giao thông hai bên bờ kênh.

img

Kênh dẫn nước La Khê sau nhiều năm, dự án vẫn ngổn ngang lụt tiến độ

Đến nay, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa cơ bản đã hoàn thành và tạm bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý, vận hành từ đầu năm 2020.

Về khả năng đáp ứng khi mưa, hệ thống hạ tầng hiện tại chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50 - 100mm, hệ thống quá tải và xuất hiện 11 điểm ngập tồn tại nhiều năm nay.
Với những trận mưa trên 100mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập nằm ngoài dự báo của Công ty.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội


Với 10 tổ máy, công suất 120m3/s, đây là trạm có công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội, có nhiệm vụ tiêu cho 6.300ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...

Đầu giờ sáng 6/6, mưa dông bắt đầu xuất hiện ở một số quận nội thành Hà Nội, trong đó khu vực Hà Đông xuất hiện mưa lớn.

Thời điểm này, có mặt tại trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, PV Báo Giao thông khá bất ngờ khi trạm không thể hoạt động hết công suất.

Ngoài trời mưa như trút nước nhưng đa phần các tổ bơm đều trong tình trạng đóng không hoạt động, các kênh dẫn xung quanh không hoạt động xối xả như mường tượng.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ thừa nhận, hiện trạm bơm chỉ hoạt động được 3/10 tổ bơm.

Nguyên nhân do hệ thống kênh dẫn nước La Khê dài 5,7km lấy nước từ sông Nhuệ chảy ra sông Đáy đang thi công dở dang khiến dòng chảy bị hạn chế. Nước từ những chỗ ngập không thể chảy về kênh La Khê và Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.

“Muốn trạm bơm hoạt động hết công suất cần hoàn thành dự án kênh dẫn nước La Khê”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, đi dọc dự án kênh nước La Khê kéo dài 6km, PV ghi nhận có nhiều khu vực vẫn chưa được làm bờ kè (đoạn từ đầu ngã ba Vạn Phúc kéo dài đến khu vực chùa Ngòi), hiện còn ngổn ngang nhiều hạng mục.

Ông Hoàng Văn Chiến, người dân sống đối diện khu vực dự án cho biết, dự án quây tôn kéo dài 7 - 8 năm nay, nhiều đoạn vẫn chưa triển khai thi công do công tác GPMB chưa hoàn thiện, nhiều hộ dân chưa di dời, đồng thuận.

Trước đó, từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thoát nước trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này, ngoài cập nhật, bổ sung đầu tư hạ tầng thoát nước cho khu vực nội đô, Chính phủ yêu cầu thành phố xây dựng các trạm bơm chống ngập cho khu vực phía Tây.

Cụ thể, gồm các dự án: Trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), công suất 170m3/s; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông), công suất 120m3/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở); nâng gấp đôi công suất các Trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 (Bắc Từ Liêm)… Tuy nhiên, sau gần 10 năm, chưa có dự án nào theo quy hoạch này thực hiện xong.

Ngoài Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa kể trên, dự án Trạm bơm Liên Mạc công suất 120m3/s, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng (bơm nước sông Nhuệ ra sông Hồng), trạm bơm Nam Thăng Long công suất 9m3/s, Ba Xã 20m3/s đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Hệ thống hồ điều hòa, các trục thoát nước chính cũng chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.

Vướng mặt bằng

img

Trạm bơm tiêu nước Tây Hà Nội vẫn hoạt động ì ạch trong ngày khu vực xuất hiện mưa lớn

Lý giải về việc dự án thoát nước thi công chậm trễ, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư dự án 2 trạm bơm Yên Nghĩa và Liên Mạc cho biết, lý do kênh La Khê (đi qua địa bàn 2 quận Hà Đông và huyện Hoài Đức) dẫn nước ra trạm Yên Nghĩa chưa xong là do vướng nhiều mặt bằng.

Cụ thể, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100% mặt bằng để thi công, trong khi quận Hà Đông mới bàn giao 162.797,9m2 trên tổng số 307.358,7m2, còn thiếu 144.560,8m2, liên quan đến 593 tổ chức, hộ gia đình. Vướng mắc lớn nhất là người dân chưa đồng thuận đơn giá bồi thường.

Để dự án hoàn thành trong năm 2022 đúng yêu cầu của thành phố, Sở NN&PTNT đã đề nghị quận Hà Đông tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công.

Với Trạm bơm Liên Mạc, ông Mỹ cho biết, dự án được lập năm 2013 và có chủ trương đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên sau đó hình thức đầu tư BT bị dừng nên hiện nay chủ đầu tư và thành phố đang tìm nguồn vốn thay thế. Đây là nguyên nhân dẫn đến dự án chưa thể triển khai.

Với các dự án nâng công suất Trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (chủ đầu tư các dự án này) cho biết, hiện nhà máy đã xây dựng cơ bản xong.

Tuy nhiên, hệ thống kênh dẫn đi qua nhiều khu dân cư trong quận nội thành chưa được chính quyền địa phương giải phóng xong. “Các dự án trên đang cần thêm thời gian để hoàn thành”, ông Sơn cho biết.

Cách nào giúp Hà Nội thoát ngập?

img

Trận mưa lớn trút xuống chiều 29/5 khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập nặng. Ảnh: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, GS. TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, những trận mưa từ đầu năm đến nay liên tục gây úng ngập sâu tại nhiều khu vực, cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần phải thực hiện nhiều giải pháp, không thể chậm trễ hơn nữa.

Theo ông Hồng, việc đầu tiên là phải hoàn thành các dự án thoát nước theo quy hoạch đã được duyệt. Tốc độ đô thị hóa nhanh nên cần phải đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống thoát nước mưa.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư các khu đô thị, cần chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh thảm cỏ và sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm; bổ sung nguồn nước ngầm, hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị.

Cùng đó, tháo gỡ xử lý ô nhiễm môi trường hồ chứa, điều hòa nước mưa đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập. Xây dựng kịch bản với các tình huống chống úng ngập cụ thể, khi xảy ra ngập thì giải pháp là gì, đồng thời phải đưa ra nhiều giải pháp thay thế.

“Phân chia trách nhiệm, xử lý nghiêm những đơn vị chịu trách nhiệm về thoát nước nhưng để xảy ra úng ngập kéo dài cũng là điều rất cần thiết”, GS. Hồng nhấn mạnh.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp, giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng, Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống ao hồ, đặc biệt là hồ điều tiết đóng vai trò như túi chứa nước tạm thời để giảm tải cho công trình đầu mối.

Theo ông Điệp, trong nguyên lý thiết kế hệ thống thoát nước mưa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của túi nước tạm thời. Những hồ điều tiết sẽ giảm tải cho các công trình đầu ra, giúp công suất trạm bơm, kích thước đường cống... có thể giảm xuống. Khi xây dựng được các hồ điều tiết, cũng cần vận hành cho tốt, kiểm soát mực nước hồ để tối ưu hiệu quả thu gom nước khi mưa lớn.

“Để các đơn vị vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng ngập úng, Hà Nội nên xem xét triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Khi đó, khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay”, ông Điệp góp ý.

Đầu tư gần 20.000 tỷ vẫn không hết ngập

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.

Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.