Xã hội

Hà Nội: Nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn mọc trên nhiều tuyến phố

11/07/2020, 06:58

Hàng loạt công trình “siêu mỏng, siêu méo” vẫn ung dung xuất hiện trên các tuyến đường mới của Hà Nội, bất chấp quy định của thành phố.

img
Ngôi nhà siêu méo, cạnh vát mỏng như tờ tại vị trí giáp số nhà 258 Phạm Văn Đồng

Nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhan nhản trên đường mới

Sáng 6/7, có mặt tại đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù tuyến đường đang GPMB phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng, nhưng dọc hai bên đường đã nhanh chóng xuất hiện những công trình “siêu mỏng” được xây mới.

Đơn cử tại số nhà 15, đường Vũ Trọng Phụng, sau GPMB, diện tích mảnh đất còn lại chưa đến 15m2 (không đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định) nhưng chủ hộ vẫn vô tư cho dựng lên một ngôi nhà có mặt tiền ước chừng 3m, chiều sâu chỉ khoảng 1m với hệ thống cửa cuốn chắc chắn.

Cách đó không xa, ngôi nhà số 49 Vũ Trọng Phụng cũng đang khiến nhiều người đi đường ngỡ ngàng bởi hình dáng “siêu mảnh” với chiều sâu chưa đến 1m và diện tích chỉ khoảng 7 - 8m2. Tại số 63 Vũ Trọng Phụng, sau GPMB, chủ hộ đã nhanh chóng dựng lên ngôi nhà 4 tầng khang trang với chiều sâu chỉ hơn 1m, mặt tiền khoảng 7 - 8m.

Đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) thuộc tuyến Vành đai 2 đang thi công cũng dần xuất hiện những ngôi nhà “siêu méo” nằm trên diện tích rất nhỏ sau GPMB như: Nhà số 6, ngõ 189 Minh Khai; Nhà 5 tầng tại khu vực ngõ 254D (mặt tiền khoảng 2m, sâu khoảng 3m); Ngôi nhà đang xây dựng tại ngõ 179 Minh Khai có vị trí mặt sàn chỉ đủ cho một vòng cuốn cầu thang,…

Trên đường Phạm Văn Đồng, sau khi hoàn thành mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch - Nam Thăng Long, những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũng mọc lên nhan nhản như: Ngôi nhà số 268 (mặt tiền khoảng 2m, chiều sâu khoảng 70cm), ngôi nhà cạnh số 258 Phạm Văn Đồng thì được xây vát cạnh mỏng như chiếc lá.

Đáng chú ý là 10 ngôi nhà “siêu nhỏ” nằm tại khu vực đầu ngõ 689 Phạm Văn Đồng. Một người bán nước, đồng thời là chủ sở hữu của căn nhà 4 tầng mini đầu ngõ 689 cho biết: “Sau khi GPMB làm đường, nhà tôi bị lấy hơn 50m2, giờ chỉ còn hơn 10m2. Cuộc sống vốn rộng rãi, thoải mái giờ trở nên chật chội, bí bách. Những nhà bên cạnh cũng không khá khẩm hơn với diện tích bó hẹp tương tự”.

“Sau GPMB, diện tích của các nhà đều không đáp ứng điều kiện về xây dựng (dưới 15m2), các hộ gia đình đã viết đơn gửi UBND các cấp xin hợp khối để đủ điều kiện tồn tại, không phải chuyển đi nơi khác. Đơn đã trình lên nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND quận”, người dân này cho hay.

Ghi nhận của PV, không chỉ trên các tuyến đường mới mở và đang trong quá trình thi công mà trên một số tuyến đường được đưa vào khai thác từ lâu, chính quyền sở tại vẫn “bó tay” với tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đơn cử trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (hướng đường Cầu Giấy) là các ngôi nhà: Số 69 diện tích khoảng 8m2; Căn nhà số 7 diện tích khoảng 10m2 với 3 tầng, 1 tum và nhà số 51 rộng chưa đến 8m2. Trong khi đó, trên đường Võ Chí Công cũng tồn tại nhiều ngôi nhà “siêu méo”, như tại các vị trí: số 7, số 258, số 264, số 75, đầu ngõ 45...

Khó xử lý vì chưa có quy hoạch chi tiết

img
Ki-ốt siêu mỏng được quận Thanh Xuân cấp phép xây dựng sau GPMB tại số 15 Vũ Trọng Phụng

Cung cấp thông tin cho PV về các trường hợp nhà “siêu mỏng” đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Phụng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cho biết, theo biên bản kiểm đếm diện tích đất đai, ngôi nhà số 45 sau GPMB, diện tích còn lại là 8,81m2. Trường hợp ngôi nhà số 15, diện tích còn lại sau GPMB là 11,97m2.

“Chủ nhà hai trường hợp trên đã họp bàn để hợp thửa hợp khối với hộ liền kề nhưng các hộ không thống nhất được. UBND quận và phường vẫn đang quyết liệt vận động các hộ dân tìm phương án tốt nhất để hợp thửa, hợp khối, hài hòa lợi ích giữa các bên”, ông Hùng thông tin.

Đáng nói, hai ngôi nhà trên được xác định thuộc diện không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng, nhưng thông tin đến báo chí, UBND quận Thanh Xuân cho biết đã cho phép chủ nhà xây dựng ki-ốt 1 tầng, chiều cao tối đa 4,2m.

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao đất thuộc diện không đủ điều kiện xây dựng vẫn cấp phép xây dựng ki-ốt khang trang, ông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, việc xây dựng này chỉ là chỉnh trang tạm.

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, lời biện minh “chỉnh trang tạm” mà người cung cấp thông tin của UBND quận Thanh Xuân đưa ra là không thể chấp nhận.

“Hà Nội đã quy định rõ, những mảnh đất dưới 15m2 bị cắt xén phải giữ nguyên hiện trạng để tiến hành hợp thửa, hợp khối hoặc quận, huyện tiến hành thu hồi theo quy định nếu các hộ dân không thống nhất được với nhau. Do đó, việc tiếp tục cho hình thành nhà siêu mỏng trên mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng là hoàn toàn sai. Hà Nội cần xử nghiêm trách nhiệm của quận, thậm chí phải đặt ra vấn đề có hay không việc “lobby” trong chuyện xây tạm này”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, công tác giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” gặp nhiều khó khăn do hầu hết các tuyến đường của Hà Nội đều chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế hai bên tuyến.

“Quá trình xử lý công trình không đủ điều kiện xây dựng theo hình thức hợp thửa, người ở trong thì muốn mua rẻ, người ở ngoài lại muốn bán đắt nên việc hợp thửa rất khó khăn. Trường hợp này, nếu chính quyền kiên quyết thu hồi, các hộ dân sẽ phải ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất cuối. Khi chính quyền địa phương thu hồi, các thửa đất nhỏ, lẻ cũng vấp phải những khó khăn như: Thu hồi 1m đất cũng phải lập dự án hay việc sử dụng đất sau thu hồi cũng khó xác định”, ông Vinh nói.

Xa rời quy hoạch

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội nhận định, việc nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội là do việc công bố chỉ giới mở đường chưa được phổ biến rộng rãi. Quan trọng hơn là Hà Nội chưa tổ chức thực hiện dự án với khai thác sử dụng những công trình “siêu mỏng, siêu méo”. Nghĩa là việc làm đường còn đang tách bạch, xa rời với quy hoạch hai bên tuyến đường.

Theo TS. Nghiêm, giải pháp để giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” là quận, huyện phải tổ chức vận động người dân chuyển nhượng cho nhau với giá hợp lý để tạo nên mảnh đất có diện tích đủ điều kiện xây dựng. Nếu việc hợp thửa không thể đi đến thống nhất thì cơ quan quản lý phải tiếp tục vận động nhân dân ở những nhà giáp ranh nhau hợp khối khi xây dựng tạo nên một công trình thống nhất.

“Trong Luật Thủ đô 2012 đã hướng dẫn cụ thể khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến theo quy định. Quyết định 16/2015 của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của quyết định 15/2011 của UBND TP Hà Nội cũng đã quy định diện tích đất thu hồi có thể sử dụng vào mục đích công cộng. Nghĩa là hành lang pháp lý đã rộng mở cho việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng cơ quan Nhà nước chưa quyết liệt làm”, TS. Nghiêm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.