Y tế

Hà Nội: Nhiều bệnh nhân Covid-19 vượt tuyến nhập viện, lo ngại lây lan dịch

06/12/2021, 19:27

Gần đây, nhiều trường hợp tự test nhanh có kết quả dương tính đã tự ý di chuyển tới bệnh viện khiến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Bệnh nhân Covid-19 tự động vượt tuyến

Theo BSCKII. Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), hôm qua, tại đây tiếp nhận khoảng 20 trường hợp người dân tự test nhanh có kết quả dương tính rồi tự ý di chuyển tới bệnh viện. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế không đúng phân tầng (BV Thanh Nhàn được phân điều trị tầng 2-3) sẽ ảnh hưởng đến công tác điều trị, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

img

BV Thanh Nhàn tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 phân tầng 2-3

Được biết, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 20 - 30 ca, trong đó có khoảng 15% bệnh nhân ở phân tầng 3. Các ca nặng này chủ yếu là người cao tuổi, một số ca phải thở máy, mắc Covid-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, chưa tiêm vaccine. Hiện không có bệnh nhân chạy ECMO.

Chia sẻ với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV ĐK Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bệnh viện cũng thường tiếp nhận các bệnh nhân tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính và tự tìm đến bệnh viện. Điều cần cảnh báo là quá trình bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện mang nguy cơ cao gây lây dịch ra cộng đồng.

Theo khuyến cáo của ông Thường, với các trường hợp xét nghiệm dương tính cần bình tĩnh tự cách ly tại nhà, báo cơ sở y tế địa phương, tuyệt đối không nên tự ý di chuyển nhập viện khi không có dấu hiệu gì bất thường về sức khỏe.

"Hà Nội có đủ khả năng bố trí khoảng 12 nghìn giường điều trị Covid-19, trong khi hiện nay con số điều trị khoảng 5 nghìn bệnh nhân, do vậy, người dân cần bình tĩnh hợp tác cùng với chính quyền và ngành y tế. Nhất là khi Hà Nội đang triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà với bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng", ông Thường nhấn mạnh.

Tính đến hết ngày 5/12, Hà Nội đang điều trị cho 5.510 bệnh nhân Covid-19 tại các tầng. Trong đó, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị 65 ca, BV Điều trị người bệnh Covid-19 BV Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai) điều trị 114 ca.

16 BV thuộc Hà Nội gồm: BV Đa khoa Đức Giang có 142 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị; BV Thanh Nhàn có 106 bệnh nhân; BV Đa khoa Hà Đông có 109 ca; BV Đa khoa Sơn Tây có 60 ca; BV Bắc Thăng Long có 55; BV Đa khoa Gia Lâm có 33; BV Đa khoa Mê Linh có 144; BV Tâm thần Hà Nội có 8...

Ngoài ra, Cơ sở điều trị KTX Phenikaa có 547 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Đền Lừ III có 882 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Thượng Thanh có 798; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp có 1.287.

Hiện, có 474 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các trạm Y tế lưu động thuộc 8 huyện ngoại thành và 2 quận (Thanh Xuân, Long Biên) của Hà Nội.

Hà Nội đã điều trị khỏi cho gần 7.600 bệnh nhân. 137 bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị, 49 bệnh nhân có địa chỉ ở Hà Nội đã tử vong.

Hà Nội phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 ra sao?

Theo phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội, phân 3 tầng, cụ thể: Tầng 1, Trạm Y tế lưu động, Trạm Y tế cố định, các Phòng khám đa khoa, Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 điều trị người bệnh triệu chứng nhẹ và không triệu chứng;

Tầng 2, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa tuyến Thành phố điều trị người bệnh mức độ vừa; chuẩn bị sẵn sàng cơ số giường bệnh hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng khi có diễn biến chuyển độ.

Tầng 3, các bệnh viện đa khoa tuyến Thành phố, bệnh viện hạng I, bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn điều trị người bệnh nặng và nguy kịch.

Trong kịch bản ứng phó đã được xây dựng, nếu thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng một tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường; với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.

Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.

Hà Nội đã chuyển hướng, cho phép F1 và F0 thể nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện được cách ly và tự điều trị tại nhà.

Quy định cơ sở vật chất để cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà cơ bản giống nhau. Qua rà soát bước đầu có khoảng 780.000 hộ gia đình đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mỗi F0 điều trị tại nhà sẽ cài App để mỗi ngày hai lần điền thông tin chỉ số sức khỏe bản thân; phần mềm được kết nối với trung tâm điều hành để nhân viên y tế theo dõi, kịp thời chuyển tầng điều trị nếu F0 có dấu hiệu bất thường.

Các tổ Covid cộng đồng, tổ chức đoàn thể như thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ... cùng theo dõi, giám sát F0 tại nhà qua hệ thống công nghệ thông tin.

Những trường hợp F0 thể nhẹ song không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển đến tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn được yêu cầu thiết lập bình quân mỗi đơn vị một trạm y tế lưu động có ít nhất 150 giường bệnh. Toàn thành phố với 579 đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn, tổng số giường bệnh hơn 86.000.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.