Quản lý

Hà Nội: Nhiều điểm ùn tắc bất thường giữa mùa dịch Covid-19

23/02/2020, 15:07

Dù đây là thời điểm học sinh, sinh viên vẫn đang nghỉ học phòng dịch Covid-19, song trên một số tuyến đường vẫn xảy ra ùn tắc.

img
Đường Láng vẫn thường xuyên ùn tắc ở các nút giao

Dù đây là thời điểm học sinh, sinh viên vẫn đang nghỉ học, lượng phương tiện lưu thông giảm đáng kể, song, trên một số tuyên đường trọng điểm của Thủ đô, ùn tắc vẫn gần như không có dấu hiệu “hạ nhiệt”...

Nút giao, ngã tư vẫn ken cứng phương tiện

Có mặt tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, PV Báo Giao thông ghi nhận cảnh phương tiện hỗn loạn và ùn tắc kéo dài. Mỗi khi đèn xanh, hàng loạt ô tô, xe máy, kể cả xe buýt lại chen lấn nhau từng mét để không phải “chôn chân” chờ lượt đèn sau.

Do lượng phương tiện hướng Nguyễn Xiển, Trần Phú (Hà Đông), Khuất Duy Tiến đổ về trung tâm thành phố trong giờ cao điểm buổi sáng quá lớn, nên dòng phương tiện ùn tắc tại nút giao mỗi lúc một dài thêm.

Tương tự, tại đường Láng, dù đã được Hà Nội đầu tư mở rộng thêm trung bình 3,5m mặt đường, song đoạn từ cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương nhìn xuống, hình ảnh PV ghi nhận vẫn là dòng phương tiện phủ kín mặt đường kéo dài hơn 1km. Xe nào cũng trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Trên trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vạn Phúc, dù mật độ phương tiện đã giảm đi đáng kể so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, song vào giờ cao điểm, nhất là khung giờ cao điểm buổi chiều, những chiếc xe buýt nhanh vẫn không được hưởng trọn vẹn đặc quyền “một mình một đường” do tình trạng lấn làn của phương tiện cá nhân vẫn diễn biến 24/24.

Trong khi đó, tại một số tuyến đường như: Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Kim Mã,… tình trạng ùn tắc cũng diễn biến khá phức tạp do sự cản trở của những công trường thi công dở dang, trễ tiến độ. Những chiếc hàng rào chắn vẫn nghiêng ngả, chiếm gần một nửa phần đường, khiến viêc di chuyển của người dân thêm khó khăn.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, dù lượng lớn sinh viên, học sinh đang được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, nhưng giao thông Hà Nội vẫn xuất hiện nhiều điểm ùn tắc. Điều đó chứng tỏ lưu lượng, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội quá nhanh.

Theo TS Thủy, việc giải quyết bài toán ùn tắc với Hà Nội không hề đơn giản. “Về ngắn hạn Hà Nội cần tổ chức giao thông khoa học, xử lý nghiêm các phương tiện lưu thông đường cấm, dừng xây dựng các tòa cao ốc trong nội đô… Về lâu dài cấm phương tiện xe máy, thu phí ô tô cũng cần triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân học tập, làm việc”, TS Thủy nêu.

Đặt mục tiêu không để phát sinh điểm ùn tắc mới

img
Tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xuất hiện trong giờ cao điểm. Trong ảnh là đoạn lên cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ

Đánh giá nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc mới, ông Trần Đăng Hải, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho rằng nguyên nhân khách quan do phương tiện giao thông tăng cao trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp. Cùng đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Về chủ quan, theo ông Hải do nhiều công trường thi công chiếm dụng mặt đường, trong đó có các công trình trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3… khiến ùn tắc thêm trầm trọng. "Có đến 8/10 số điểm ùn tắc là do công trường thi công. Trong số này, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: 2 điểm; đường Vành đai 2: 3 điểm; đường Vành đai 3 trên cao: 1 điểm; thi công đường đua F1: 2 điểm", ông Hải nêu.

"Chúng tôi đã nghiên cứu, xin ý kiến của các đơn vị liên quan và đề xuất đề án được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp vào tháng 7/2017 tại Nghị quyết 04. Việc triển khai Nghị quyết này phù hợp với các nội dung, chương trình của thành phố đưa ra nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển cơ sở hạ tầng. Mục tiêu và chủ trương của thành phố là đến năm 2030 phải xây dựng được thành phố văn minh, hiện đại, không còn ùn tắc giao thông”, ông Ngô Mạnh Tuấn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2019 toàn thành phố còn tồn tại 33 điểm ùn tắc. Bằng nhiều giải pháp như cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu và tăng cường lực lượng chốt trực điều tiết giao thông, đã xóa được 10 điểm, trong đó có các nút giao: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Vành đai 3 - Pháp Vân - Giải Phóng, ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ…

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Hà Nội cũng phát sinh mới 10 điểm ùn tắc khác gồm: Nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang - cầu 361, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, Đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao Thanh Xuân, điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng.

Cũng theo ông Tuấn, theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc năm 2019 chuyển sang. Cùng đó, TP Hà Nội cũng cố gắng không để phát sinh những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để kéo giảm, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút...

Chúng tôi cũng lên kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, khai thác hiệu quả trung tâm điều khiển giao thông; hướng dẫn UBND các quận, huyện lắp đặt hệ thống camera giám sát…để xử lý vi phạm”, ông Tuấn khẳng định.

Về lâu dài, để có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, ông Tuấn cho biết sẽ nhanh chóng hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng đề án chống ùn tắc từ năm đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.