Bất động sản

Hà Nội: Rộ tình trạng tự đấu nối giao thông để phân lô bán nền

21/11/2022, 10:38

Lạm dụng những khuyến khích trong xây dựng đường nông thôn, người dân tự mở đường, đấu nối, phục vụ hoạt động phân lô bán nền.

Thảm nhựa hành lang giao thông

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên địa bàn các huyện như: Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây... rộ tình trạng tự ý đấu nối, mở đường nhằm mục đích phân lô bán nền.

Đơn cử các thửa đất số 60, 8, 29, 15 tờ bản đồ 29 thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. Sau khi 4 thửa đất trên được tách thành 42 thửa nhỏ, trên đất đã hình thành 1 con đường thảm nhựa chạy giữa.

img

Khu đất 40 lô tách thửa, đấu nối ra tỉnh lộ 446 (Vai Réo 0km) ngay cạnh TNT Land

Đường rộng khoảng 5m kèm đèn điện, cây xanh, ống nước, đấu nối trực tiếp ra đường tỉnh 446 (Vai Réo 0km). Phần hành lang an toàn giao thông cũng bị thảm nhựa là chiếu nghỉ, nơi đậu xe phục vụ người vào xem, mua bán đất.

Tương tự tại Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, khu đất được giới bất động sản gọi tên quen thuộc dự án 72 lô Tiến Xuân cũng đã hình thành 2 con đường thảm nhựa đường ngang, dọc đấu nối ra trục chính bãi dài. Ghi nhận dọc trục Bãi Dài (Tiến Xuân), từ ngã tư Miễu đến đường tỉnh 446, khoảng 4 km có đến gần chục trường hợp.

Hiện nay, ngay khi TP Hà Nội đang tăng cường kiểm soát tách thửa, thì không ít thửa đất "núp bóng" dự án phân lô vẫn đang làm đường, tách thửa, chào bán rầm rộ. Đơn cử như 26 lô Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất; 60 Lô xã Kim Sơn, thị xã Sơn; 300 lô xã Cổ Đông, Sơn Tây...

img

72 lô đất tách thửa tại xã Tiến Xuân đấu nối ra đường Bãi Dài (Tiến Xuân, Thạch Thất)

Ghi nhận của PV trên các địa bàn huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai có khoảng trên 20 trường hợp tương tự, mở đường, thảm nhựa đấu nối phục vụ việc phân lô, bán nền.

Đáng nói, không ít cột mốc giao thông hai ven đường bỗng biến thành những tấm biển chào bán đất với những vết sơn ngoạch ngoạc "bán đất, BĐS" kèm các số điện thoại.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện thị xã Sơn Tây cho biết, việc đấu nối ra đường tỉnh lộ, quốc lộ thì phải xin phép. Còn đấu nối ra đường làng ngõ xóm thì xưa nay chưa tìm thấy quy định. Hiện tượng người dân lấn chiếm, thảm nhựa hành lang giao thông thì thuộc trách nhiệm của thanh tra giao thông vận tải.

Ông Trương Quang Hồng, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho hay, 26 lô tách thửa ở Yên Mỹ PV đề cập đã được chuyển đổi từ đất trồng cây sang đất ở, tách thửa và bán hết từ lâu.

Về những thắc mắc xung quanh việc quản lý làm đường, đấu nối tự do trên địa bàn, ông Hồng cho biết, trước nay chưa có quy định, do đó người dân "thích phân bao nhiêu thì phân".

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính từ đầu năm đến tháng 8/2022, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý vi phạm 10 trường hợp, phạt tiền 49.000.000đ với các hành vi vi phạm đấu nối đường giao thông; tự ý san lấp mặt bằng hành lang an toàn giao thông đường bộ; tự ý tháo dỡ biển báo hiệu của công trình đường bộ. Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cùng các đơn vị quản lý giao thông phát hiện và xử lý 7 trường hợp.

Trong khi đó, UBND xã Phú Cát lại đang lúng túng xử lý, phải "chạy các cửa" để hỏi đúng, sai việc mở đường, đấu nối.

Theo đại diện xã Phú Cát, trong số 42 lô đất, có 40 lô là đất ở, 2 lô là đất vườn. Do đó không xác định được tuyến đường trên làm trên đất ở hay đất vườn và có đúng hay không. Do đó xã này chưa dám dứt điểm xử lý.

"Thẩm quyền của xã xác nhận việc hiến đất làm đường, cấp phép làm đường. Thế nhưng trường hợp này xã không cấp. Trên thực tế, tỉnh lộ 446 không có hạ tầng thoát nước, 40 lô đất trên làm đường và hạ tầng thoát nước cũng không đấu nối được. Chúng tôi đã báo cáo đang chờ huyện Quốc Oai và Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời. Nếu xác định việc mở đường là sai chúng tôi kiên quyết xử lý cưỡng chế", đại diện xã Phú Cát cho hay.

img

108 lô tách thửa đấu ra đường Bãi Dài, xã Tiến Xuân, Thạch Thất

Còn đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết, về trách nhiệm, thẩm quyền của huyện, huyện cũng thường xuyên có những chỉ đạo yêu cầu đội quản lý trật tự xây dựng kiểm tra các tuyến đường tự phát của người dân. Khi phát hiện sẽ có những biện pháp xử lý. "Trường hợp đất đai tại xã Phú Cát Báo Giao thông đề cập, hiện cơ quan công an kinh tế cũng đang làm rõ. Huyện cũng đang chờ, chắc cũng sắp có kết luận", vị đại diện cho hay.

Báo Giao thông đã gửi nội dung sang Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị làm rõ việc hình thành đường trên các thửa đất phân lô, và xác minh nguồn gốc đất làm đường tại 40 lô gần cầu Vai Réo, Phú Cát, Thạch Thất. Nhưng đến nay, Báo Giao thông chưa nhận được phản hồi.

Còn phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, việc người dân mở đường nhựa, lắp đèn, đấu nối đường điện trên đất trồng cây, đất ở đều phải theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý nhà nước của UBND Thành phố. Đồng thời trách nhiệm việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng, trật tự đô thị thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Khi phát hiện trường hợp vi phạm, tùy theo phân cấp quản lý nhà nước của UBND Thành phố, các lĩnh vực vi phạm, các cơ quan lập biên bản xử lý khác nhau. Ví dụ các lĩnh vực thuộc quản lý của cấp huyện thì do các cơ quan chức năng của cấp huyện xử lý.

Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cũng cho biết, theo phản ánh của Báo về việc, nhiều hộ dân tự ý mở đường, thảm nhựa, đấu nối hạ tầng không có trong quy hoạch ra các trục đường tỉnh lộ, huyện lộ.

Đơn cử như: Các thửa đất số 60, 8, 29, 15 tờ bản đồ 29 thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai đấu nối trực tiếp ra đường tỉnh 446 (Vai Réo 0km). Tương tự diễn ra nhiều trên tuyến đường Bãi Dài, Thạch Thất; Cổ Đông, Sơn Tây...

Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị của sở phối hợp với UBND xã Tiến Xuân, phòng QLĐT huyện Thạch Thất tổ chức rà soát thực tế.

Căn cứ quy định của pháp luật, quy định về phân cấp quản lý nhà nước của UBND Thành phố, trên cơ sở phạm vi ranh giới diễn ra các hành vi Báo nêu, trách nhiệm sử lý thuộc UBND Huyện Thạch Thất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.