Vận tải

Hà Nội “rót” hơn 1.300 tỷ đồng trợ giá/năm để nâng sức hút của xe buýt

05/08/2020, 17:44

5 năm qua, Hà Nội đã chi hơn 1.300 tỷ đồng/năm để trợ giá cho hành khách, thu hút người dân sử dụng xe buýt.

img
5 năm qua, chất lượng dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt được nâng lên đáng kể từ vùng phục vụ, phương tiện, hạ tầng, song mục tiêu nâng tỷ lệ người dân đi xe buýt vẫn còn chưa được như kỳ vọng - Ảnh minh họa

Ông Thái Hồ Phương, PGĐ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Tramoc) cho biết, 5 năm qua, diện mạo xe buýt Thủ đô đã có sự thay đổi lớn về chất và lượng. Mạng lưới tuyến liên tục được hợp lý hóa, mở rộng vùng phục vụ với 127 tuyến buýt (trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá) “phủ sóng” toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã.

"Nếu như vào năm 2015, mới có 310/584 phường, xã, thị trấn của Thủ đô có tuyến xe buýt kết nối (chiếm tỷ lệ 53,1%) thì đến năm 2019, tỷ lệ này là 452/584 phường, xã, thị trấn (chiếm 78,1%). Tính đến hết tháng 7-2020, 63 tuyến buýt có trợ giá cũng đã được kết nối ra các khu vực ngoại thành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", ông Phương nói và cho biết thêm: Đến nay, xe buýt cũng đã tiếp cận tới 62/71 bệnh viện (đạt 87%); 27/27 khu công nghiệp (đạt 100%); 30/30 khu đô thị (đạt 100%) và kết nối tới 7/9 tỉnh, thành lân cận.

Theo ông Phương, để có được kết quả trên, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thành phố trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho xe buýt.

“Cần phải nói rõ thêm, đây là nguồn tiền thành phố trợ giá cho hành khách chứ không phải trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt. Trong các giai đoạn sắp tới, thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt sẽ còn được quan tâm đầu tư hơn nữa và nguồn trợ giá hằng năm sẽ tiếp tục tăng thêm”, ông Phương cho hay.

Mặc dù diện mạo xe buýt Thủ đô đã được cải thiện đáng kể, song, đại diện Tramoc cũng thừa nhận, sức hút của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn chưa đạt được như kỳ vọng do sự phát triển nở rộ của loại hình xe công nghệ (Grap, xe ôm…) với chi phí chuyến đi rẻ và cơ động.

“Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn nằm ở việc xe buýt còn chậm, thiếu tính đúng giờ. Thực tế hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa cho thấy, khi tính đúng giờ được bảo đảm, đã có rất nhiều người dân, trong đó nhiều cán bộ, công chức và sinh viên sẵn sàng sử dụng BRT. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của thành phố đang nghiên cứu để sớm tổ chức ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để xe buýt có thể chạy đúng giờ hơn, qua đó kéo thêm được nhiều người dân sử dụng dịch vụ hơn nữa”, ông Phương chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.