Đô thị

Hà Nội sắp có thêm hàng chục cầu bộ hành

17/07/2021, 07:30

Nhằm tăng cường đảm bảo ATGT và giảm ùn tắc, mới đây tại nhiều vị trí trên một số tuyến đường đã được Hà Nội xây dựng thêm cầu vượt...

“Phủ kín” các điểm đông người đi bộ

Ngày 12/7, có mặt trên một số tuyến đường Thủ đô như: Võ Chí Công, Đại La, Thanh Nhanh, Nguyễn Trãi… ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nhiều điểm “nóng” đông người đi bộ qua lại đang được Hà Nội xây dựng thêm cầu vượt đảm bảo cho người dân khi sang đường.

img

Cầu bộ hành trên đường Võ Chí Công đối diện tòa nhà khu Liên cơ Sở ngành vừa được đưa vào vận hành

Đơn cử, tại gần ngã tư Võ Chí Công - Xuân La được đơn vị thi công xây cầu bộ hành bằng kết cầu thép. Đây là nút giao thông lớn có lưu lượng phương tiện, người đi bộ qua lại nhiều, mỗi ngày có hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Xuân La đến trường qua lại sử dụng. Ngay dưới hai bên chân cầu chỉ cách vài buớc chân có điểm xe buýt phục vụ.

Anh Đỗ Ngọc Dũng dẫn con gái tới làm các thủ tục tuyển sinh tại trường Tiểu học Xuân La cho biết, cầu vượt đi vào hoạt động góp phần thiết thực vào nhu cầu thực tế của người dân, các cháu học sinh.

“Tới giờ tan tầm, nhiều xe, người qua lại tạo nên cảnh hỗn loạn. Trước đây, khu vực này cũng là điểm nóng, va chạm giữa người đi bộ với các phương tiện xảy ra thường xuyên. Có cầu, chúng tôi sẽ yên tâm hơn khi các con sử dụng phương tiện công cộng tới trường và người đi bộ, sử dụng phương tiện muốn qua đường sẽ thuận tiện hơn”, anh Dũng chia sẻ.

Cách đấy không xa, trên đường Võ Chí Công vừa được xây dựng 3 - 4 cầu bộ hành. Đáng chú ý, tại cầu bộ hành kết nối với khu Liên cơ Sở ngành được xây dựng thiết kế đẹp, thông thoáng. Mục đích nhằm phục vụ người dân khu vực và 3.000 người trong tòa nhà khu Liên cơ Võ Chí Công khi có nhu cầu sử dụng.

Sử dụng cầu bộ hành là an toàn cho chính mình

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh Văn Phòng Ban ATGT Hà Nội cho biết, thời gian qua TP đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ, đây là việc cần thiết vì đỡ cản trở luồng giao thông, giúp giảm ách tắc. Ngoài ra, còn giúp an toàn cho những người đi bộ qua đường, các thành phố văn minh người ta đều có những công trình này.

Tuy nhiên, theo ông Giang, hiện cơ quan chức năng đã làm nhiều cầu bộ hành nhưng tại một số khu vực người dân chưa sử dụng nhiều. Nguyên nhân vì ý thức chấp hành của người dân chưa cao, phần lớn họ có thói quen tiện đâu băng ngang đó.

“Người đi bộ cần sử dụng cầu bộ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm do băng ngang đường không đúng quy định. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích để thu hút sự quan tâm, chấp hành của người đi bộ”, ông Giang khẳng định.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, trong năm 2021 - 2022 đơn vị này được TP giao đầu tư hàng chục cầu bộ hành, mỗi cầu có tổng mức đầu tư khoảng 4 đến hơn 8 tỷ đồng.

Trong đó, hiện Ban đang thực hiện cầu vượt cho người đi bộ qua đường 2,5 tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai; cầu qua đường Liễu Giai, quận Ba Đình; cầu vượt trước tòa nhà HH1A, HƯD3, CT5-X2 trong Khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai; cầu qua đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm; qua đường Ngọc Hồi tại khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai; cầu qua đường Đào Tấn, quận Ba Đình…

Theo vị đại diện này, các vị trí xây cầu theo nhu cầu thực tế, bởi đã được đánh giá về lượng người sử dụng, quy hoạch, cảnh quan, kinh tế - xã hội, thậm chí điều tra xã hội học trước khi triển khai.

Ví dụ, trước công viên, bến xe, bệnh viện sẽ được ưu tiên làm cầu bộ hành nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

GS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên của Trường Đại học GTVT cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc một số cầu bộ hành vắng người qua lại do bộ phận người dân chưa có thói quen đi bộ, ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao, muốn nhanh và tiện nên băng thẳng qua đường thay vì thời gian lên xuống cầu vượt.

“Khi xây cầu các bộ, ngành cũng lưu tâm đến người khuyết tật và an toàn sử dụng, một số vị trí cầu cũ chưa liên kết đến phương tiện giao thông trung chuyển khác như bến xe buýt, metro để khai thác sử dụng ở mức tối đa.

Mức xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Điều 9 Nghị định 100 sẽ phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.