Vận tải

Hà Nội: Sớm xóa “vùng trắng” buýt trợ giá đến huyện ngoại thành

25/07/2017, 13:15

hiện Hà Nội còn hai huyện ngoại thành là Mỹ Đức và Ứng Hòa chưa có hoạt động của các tuyến buýt trợ giá.

3

Xe buýt mới trên tuyến số 50 Sân vận động Quốc gia - Long Biên

Hai huyện cuối cùng chưa có buýt trợ giá

Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ của loại hình buýt có trợ giá đến các huyện ngoại thành, gần đây Hà Nội liên tục mở rộng vùng hoạt động của các tuyến buýt trợ giá. Riêng Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), 6 tháng đầu năm đã công bố mở mới được 10/16 tuyến xe buýt theo kế hoạch.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Transerco khẳng định, việc phát triển và mở rộng vùng phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá đến các huyện ngoại thành của thành phố phù hợp với chủ trương tại đề án: “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.

6 tuyến buýt kết nối với các huyện ngoại thành được Transerco đưa vào hoạt động trong năm 2017 gồm: Số 91 bến xe Yên Nghĩa - TT Kim Bài - Phú Túc (Phú Xuyên); Số 92 Nhổn - Sơn Tây - TT Tây Đằng (Ba Vì); Số 93 Nam Thăng Long - Bắc Sơn, Sóc Sơn; Số 94 bến xe Giáp Bát - Kim Bài, Thanh Oai; Số 95 Nam Thăng Long - Xuân Hòa; Số 96 Công viên Nghĩa Đô - Đông Anh (Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc); Số 97 Hoài Đức - Công viên Nghĩa Đô và 3 tuyến xe buýt nhỏ kết nối giữa các khu đô thị: Số 98 Yên Phụ - Aeon Mall Long Biên; Số 99 Kim Mã - Bệnh viện Nội tiết T.Ư cơ sở 2 (Thanh Trì); Số 100 Long Biên - Khu đô thị Đặng Xá.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa là chưa được buýt có trợ giá của thành phố “phủ sóng”. Theo nguồn tin của Báo Giao thông, lãnh đạo hai huyện này liên tục gửi đơn lên thành phố đề nghị được mở mới các tuyến buýt có trợ giá đến đây. Gần đây nhất, trong Văn bản số 752 gửi UBND TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều đã tha thiết đề nghị mở tuyến buýt có trợ giá từ bến xe Mỹ Đình qua thị trấn Đại Nghĩa về bến xe Đục Khê, xã Hương Sơn.

“Mỹ Đức là huyện ngoại thành nên việc đi lại ra trung tâm thành phố và đi các tỉnh khác còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đi học, công tác, buôn bán, khám chữa bệnh bằng xe công cộng trên địa bàn huyện rất cao. Việc phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng là cần thiết”, ông Triều nói thêm.

Cũng như vậy, bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hai tuyến xe buýt 75 và 78 nhưng chỉ hoạt động dọc QL21B dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng xe buýt của nhân dân các xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các tuyến buýt này không trợ giá, sử dụng phương tiện nhỏ, chất lượng kém, dừng đón trả khách tùy tiện, giá vé lại cao hơn nhiều so với xe buýt nội đô có trợ giá nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Từ đây, bà Vân Anh đề nghị thành phố mở mới các tuyến buýt có trợ giá nối từ bến xe Yên Nghĩa, Giáp Bát đến thị trấn Vân Đình và bến Hồng Quang.

4
Số lượng tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng thêm11 tuyến vào năm 2019

Sẽ mở rộng buýt đến các huyện lỵ

Khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nhiều lần khẳng định, sẽ tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến theo hướng hợp lý hóa lộ trình, kết nối với hệ thống BRT và đường sắt đô thị; Mở rộng vùng phục vụ tới khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp.

Liên quan đến vùng hoạt động của xe buýt, TS. Nguyễn Thanh Chương, đại diện nhóm nghiên cứu Đề án Nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 (Đại học GTVT) cho biết, hiện mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội đã cơ bản phủ kín 12 quận nội thành và phát triển mở rộng đến các huyện lỵ, trung tâm hành chính huyện ngoại thành.

“Ở khu vực ngoại thành, một số nơi đã có tuyến buýt nhưng chủ yếu là buýt không trợ giá, hoạt động với tần suất thấp, giá vé cao, chưa thu hút được người dân”, TS. Chương nói và cho biết giai đoạn đến năm 2020, nhóm nghiên cứu đề xuất mở thêm 76 tuyến buýt mới. Trong đó, năm 2016, mở mới 6 tuyến đến các huyện ngoại thành Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai. Năm 2017, ngoài 5 tuyến mở rộng vùng phục vụ, sẽ mở thêm 8 tuyến gom trong các khu đô thị không tiếp cận được xe buýt đồng thời thử nghiệm thêm một tuyến City tour.

Trong năm 2018, Hà Nội sẽ tăng thêm 10 tuyến buýt, trong đó có 6 tuyến đến vùng phục vụ mới, 3 tuyến đến khu công nghiệp đưa đón công nhân và 1 tuyến City tour. Số lượng tuyến buýt sẽ tiếp tục tăng thêm 11 tuyến vào năm 2019 và 12 tuyến vào năm 2020, nâng số tuyến buýt lên thành 159 tuyến. Với tổng số xe buýt cần có vào thời điểm năm 2020 là 2.450 xe (tăng gần 1.000 xe so với hiện nay), nhóm nghiên cứu dự đoán mỗi năm, xe buýt Hà Nội sẽ phục vụ khoảng 850 triệu khách, đáp ứng 14-15% nhu cầu đi lại trong đô thị của thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.