Xã hội

Hà Nội thu hồi 1.500 ha đất của 24 dự án chậm triển khai, có vi phạm

09/07/2019, 15:19

Từ tháng 8/2018 đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi 24 dự án, với tổng diện tích 1.500 ha do doanh nghiệp chây ì không thực hiện hoặc có vi phạm.

img
Toàn cảnh kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội

Ngày 9/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, các đại biểu tập trung tái chất vấn nhóm vấn đề về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Là đại biểu chất vấn đầu tiên, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh cho biết, sau khi rà soát 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, 40/47 dự án đã bị dừng hoạt động. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định dừng 33 dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định dừng 7 dự án, một dự án được điều chỉnh để tiếp tục triển khai. Như vậy, vẫn còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm. "Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này?”, đại biểu nêu.

Trả lời, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao nhiệm vụ rà soát 47 dự án vi phạm. Trong đó, 8 dự án đô thị và nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh được UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, 39 dự án giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xử lý.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND thành phố và chấm dứt hoạt động 33 dự án theo quy định. Trong 6 dự án còn lại có một dự án sau khi liên ngành rà soát thì nhận thấy còn phù hợp để triển khai thực hiện nên cho phép điều chỉnh chức năng để tiếp tục hoạt động. Một dự án hiện đang chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau khi có kết luận điều tra Sở sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét. Đối với các dự án còn lại, Sở tiếp tục rà soát và báo cáo UBND thành phố.

Ông Quyền cũng chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình rà soát các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Cụ thể, các dự án do UBND quận, huyện báo cáo với đoàn giám sát của UBND thành phố chưa đầy đủ cả về thông tin cũng như tính pháp lý của dự án. Nhiều chủ đầu tư còn chây ì, chưa chủ động báo cáo.

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ được lý giải là do phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhiều dự án có sự thay đổi do liên quan tới chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng. Một số dự án có vướng mắc về pháp lý nhưng đang trong quá trình điều tra nên phải chờ kết luận thanh tra, điều tra mới có cơ sở đề xuất. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác rà soát số liệu theo chuyên ngành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những vướng mắc này, ông Quyền đề xuất, trong thời gian tới, cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết thu hồi các dự án có sai phạm.

Có doanh nghiệp nợ thuế đến 10 năm

Đại biểu Dương Thị Hằng (Gia Lâm) nêu, Cục Thuế Hà Nội được giao chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm 90 chủ đầu tư và dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính với tổng số 5.515 tỷ đồng. Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp, đến ngày 31/7/2018, còn 4.421 tỷ đồng phải thu đối với 61 dự án; đến ngày 15/6/2019, còn 4.200 tỷ đồng phải thu đối với 50 dự án. Đại biểu đề nghị, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết trách nhiệm, các biện pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Sơn Tây) cũng nêu thực tế, trong số 50 dự án nợ 4.200 tỷ đồng, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có dự án “Tiểu khu nhà ở đồi Dền”. Dự án này đang có số nợ 486 tỷ đồng và hiện mất khả năng thanh toán. Con số nợ được đại biểu so sánh bằng đúng một năm dự toán thu ngân sách của thị xã. Đại biểu đề nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết khi nào có thể xử lý dứt điểm những trường hợp như vậy.

Làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Cục Thuế đã rà soát các đơn vị này. Hầu hết đơn vị đã được cơ quan thuế đôn đốc, cưỡng chế, đặc biệt là cưỡng chế hóa đơn để kiểm soát dòng tiền.

Đồng thời, Cục Thuế cũng phân loại nợ với các dự án, trong đó có nhóm nợ khó đòi do liên quan đến vi phạm pháp luật; nhóm nợ chờ xử lý; nhóm có khả năng thu nhưng thực tế rất khó thu bởi doanh nghiệp có "tuổi" nợ thuế trung bình là 5 năm, có doanh nghiệp "tuổi" nợ lên đến 10 năm; nhóm nợ những dự án chưa triển khai được vì có vướng mắc; nhóm còn tiền nộp chậm, hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm này gặp vướng mắc liên quan đến cung cấp dịch vụ cho khu vực có vốn ngân sách, việc xác nhận nợ khó khăn do doanh nghiệp trải qua nhiều thời kỳ lãnh đạo.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành thuế thành phố sẽ đưa ra giải pháp linh hoạt tham mưu thành phố để vừa đạt mục tiêu thu ngân sách, giảm nợ, vừa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian tới, Cục Thuế sẽ tổ chức chuyên đề về thu nợ thuế đối với các dự án; đồng thời phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi về dự án “Tiểu khu nhà ở đồi Dền” của Công ty Á Châu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, chủ đầu tư đã nộp số tiền sử dụng đất khoảng 48 tỷ đồng, sau đó không nộp nữa. Cơ quan thuế đã tính toán số tiền phạt chậm nộp cả nợ cũ và phát sinh lên tới 486 tỷ đồng nhưng đơn vị mất khả năng thanh toán. Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét và báo cáo UBND thành phố, có thể phải thu hồi dự án này, vì đơn vị không còn khả năng thanh toán.

Trả lời đại biểu Trần Vân Hoa (Tây Hồ) về kế hoạch xử lý với 18 dự án chưa thu hồi được đất trên thực địa, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, một phần lý do chậm xử lý là do các quận huyện chưa quyết liệt giải phóng mặt bằng, cưỡng chế với các chủ dự án chây ỳ…

Vi phạm đất đai đều lũy kế từ nhiều thời kỳ

Trả lời làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai đều là vi phạm lũy kế từ nhiều thời kỳ.

Tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố là tập trung vào mục tiêu cao nhất, đưa diện tích đất đã duyệt vào sử dụng, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Khi chỉ đạo, xử lý, thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ là chính, trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan để tạo điều kiện cho các đơn vị đưa đất vào sử dụng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cương quyết tổ chức thu lại những dự án mà doanh nghiệp chây ì, không thực hiện, vi phạm Luật Đất đai nhưng không khắc phục.

Cụ thể, từ tháng 8/2018 đến nay, thành phố đã chỉ đạo thu lại 24 dự án, với tổng diện tích 1.500 ha; truy thu 80 dự án có sự điều chỉnh, thu về ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng.

Về cơ bản các doanh nghiệp sau khi có quyết định thu hồi đất đều hợp tác, thống nhất bàn giao đất, tạo điều kiện để thành phố đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khiếu nại, các đơn vị chức năng của thành phố tiếp tục giải quyết theo đúng quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.