Giao thông

Hà Nội - TP.HCM có xóa được ùn tắc 2019?

02/01/2019, 14:00

Theo các chuyên gia, ùn tắc gây thiệt hại cho TP Hà Nội và TP.HCM mỗi năm hàng tỷ USD.

11

Camera giám sát phục vụ quản lý  điều hành giao thông tại Hà Nội - Ảnh: Khánh Linh

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội và ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP HCM) về lộ trình xóa các điểm đen ùn tắc, giảm thiệt hại về kinh tế hai thành phố.

12

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Hàng triệu người dân đô thị vẫn hàng ngày chịu cảnh chôn chân vì ùn tắc, làm giảm chất lượng cuộc sống, để kéo giảm ùn tắc, Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Vũ Văn Viện: Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội đã thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông với sự tham gia của nhiều sở, ngành như: GTVT; Công an thành phố; Sở Tài chính.

Tới đây, các giải pháp ưu tiên vẫn là triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đúng quy hoạch phê duyệt. Cùng đó, Hà Nội phải phát triển mạnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Đầu tiên phải nâng cao chất lượng dịch vụ, mới khuyến khích và thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Chúng tôi cũng phối hợp với công an thành phố và các đơn vị liên quan rà soát và điều chỉnh các bất hợp lý trong công tác tổ chức giao thông để tổ chức giao thông hợp lý, khoa học nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Nhiều người cho rằng, nếu chỉ áp dụng các giải pháp truyền thống đó, rất khó có thể kéo giảm triệt để ùn tắc. Về lâu dài công nghệ 4.0 có được Hà Nội áp dụng trong xử lý vấn đề nan giải này?

Ông Vũ Văn Viện: Thời gian tới, Sở GTVT phối hợp với Công ty CP Viễn thông FPT thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng và phương tiện giao thông; Đồng thời, xây dựng bản đồ giao thống số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông. Thành phố cũng tiếp tục triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động; Nghiên cứu, đề xuất lắp đặt hệ thống camera phục vụ cho công tác quản lý điều hành giao thông, ANTT; Quản lý thẻ vé đối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng thông qua hệ thống tích hợp dùng chung một loại thẻ vé cho tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng... Những giải pháp đó sẽ góp phần hiện đại hóa giao thông và kéo giảm ùn tắc giao thông.

Sở GTVT Hà Nội được giao xây dựng đề án từ năm 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 phải xây dựng được thành phố văn minh, hiện đại, không còn ùn tắc giao thông. Để đạt mục tiêu này, giải pháp là gì, thưa ông?

Ông Vũ Văn Viện: Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2017-2018, tập trung thực hiện giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông và quản lý Nhà nước về GTVT. Từ năm 2017 - 2030 từng bước hạn chế hoạt động của một số phương tiện trong một số khu vực và từ năm 2030 là cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm. Với lộ trình như vậy, tôi tin rằng, Hà Nội sẽ không còn ùn tắc như hiện nay.

13
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM

TP.HCM: khai thác hiệu quả Trung tâm Điều khiển giao thông thông minh

Những kết quả đạt được trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông trong năm qua được ghi nhận như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Xuân Cường: Cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Đến cuối năm 2017, số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông là 34 điểm. Qua thời gian theo dõi đến cuối năm 2018, tình hình ùn tắc giao thông tại 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông đã được cải thiện. Ngoài ra, qua phối hợp thống nhất ý kiến với công an thành phố, Sở GTVT xóa 6 điểm có chuyển biến tốt ra khỏi danh sách 34 điểm nêu trên.

Như vậy, trên địa bàn TP HCM còn lại 28 điểm nguy cơ ùn tắc, trong đó có 13 điểm chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp, 7 điểm không chuyển biến. Những điểm mà các năm trước được xem là ùn tắc nghiêm trọng nhưng năm 2018 đã được cải thiện là: Nút giao Mỹ Thủy (Q.2), ngã sáu Công trường Dân Chủ (Q.3), giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, (Q.Bình Thạnh), ngã tư Tây Hòa (Q.9).

Vậy, Sở GTVT đã thực hiện các giải pháp gì để kéo giảm ùn tắc?

Ông Bùi Xuân Cường: Trong năm 2018, thành phố đã khởi công mới 8 dự án và tổ chức thông xe kỹ thuật, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 13 công trình/hạng mục công trình. Hiện, vẫn đang triển khai thi công một số dự án giao thông trọng điểm nhằm khắc phục ùn tắc giao thông như: Nhánh N2 dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án Xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; dự án nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y, nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Tri Phương.

Cùng đó, thành phố tiến hành điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại một số khu vực như: Tổ chức lưu thông một chiều xe ô tô trên 15 tuyến đường, một chiều các loại xe trên 5 cầu qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; hạn chế lưu thông các loại xe ô tô hoặc một số loại xe ô tô như xe tải, xe khách theo thời gian trên 9 tuyến đường. Các giải pháp này cũng góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông đối với 11 điểm.

Năm 2019, ngành Giao thông TP HCM có những giải pháp gì đột phá để tiếp tục thực hiện kéo giảm ùn tắc giao thông?

Ông Bùi Xuân Cường: Dự kiến, đầu năm 2019, Sở GTVT đưa vào hoạt động Trung tâm Điều khiển giao thông thông minh khu vực trung tâm. Theo đó, trung tâm sẽ kết nối và điều khiển 188 chốt đèn tín hiệu giao thông thông qua phần mềm quản lý. Đồng thời, sẽ xây dựng và triển khai mô hình dự báo tình hình giao thông toàn thành phố để phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý giao thông, lập quy hoạch, đánh giá tác động giao thông đối với các dự án trước khi triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ khác đã được thành phố giao trong “Đề án Đô thị thông minh” như: Tiếp tục đầu tư bổ sung các thiết bị điều khiển giao thông thông minh, camera giám sát giao thông, cảm biến đo đếm nhận diện phương tiện; Tăng cường cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người tham gia giao thông thông qua các kênh như: Ứng dụng di động, kênh phát thanh, bảng thông tin giao thông điện tử; tích hợp hệ thống quản lý, điều khiển chiếu sáng thông minh; hoàn thành việc chuyển đổi phương thức thu phí điện tử tự động ETC tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn thành phố.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.