Đô thị

Hà Nội: Tràn lan học sinh đi xe máy “quên” đội mũ bảo hiểm

02/10/2024, 10:00

Gần một tháng đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT lại tái diễn, nhất là hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, kẹp 3, lạng lách, đánh võng…

Nhan nhản vi phạm

Chiều 26/9, trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều học sinh trường THPT Trung Văn sau khi tan học, điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em thậm chí còn đi vào làn đường buýt nhanh BRT, lạng lách, đánh võng.

Hà Nội: Tràn lan học sinh đi xe máy “quên” đội mũ bảo hiểm- Ảnh 1.

Hình ảnh học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm phổ biến trên đường phố Hà Nội.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên phố Nguyễn Trãi, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Võ Chí Công… 

Theo đó, hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục, đi xe máy với tốc độ cao "quên" đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến.

Đáng nói, không chỉ các học sinh, nhiều bậc phụ huynh đưa đón con em cũng không đội mũ bảo hiểm cho con và chính mình khi tham gia giao thông.

"Phạt không xuể, bởi vi phạm rất nhiều!", một chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an Hà Nội làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu chia sẻ và cho biết, cuối tuần qua, chỉ trong 1 giờ lập chốt, lực lượng CSGT đã xử lý hàng chục trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm.

Em N.N.H, đang là học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông trên địa bàn trần tình: "Do em thấy bạn không có xe đi về nên em chở bạn mà quên mất không mang đủ mũ bảo hiểm. 

Em rất hối hận vì sự sơ suất của mình mà ảnh hưởng đến trường, lớp và chính bản thân em. Em sẽ không bao giờ tái phạm nữa".

Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Tạ Đức Giang, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, việc bảo đảm trật tự ATGT cho người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh là rất quan trọng.

Để hạn chế tối đa vi phạm cần nâng cao ý thức, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, cùng với việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Từ đầu năm học 2024-2025, Văn phòng Ban ATGT thành phố đã chủ động phối hợp cùng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông vào giờ ngoại khóa đầu tuần. 

Các tiết học đã thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Bên cạnh đó, hàng nghìn mũ bảo hiểm đã được trao tặng cho các em học sinh trong dịp này.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm học mới đến nay, đơn vị đã cử cán bộ đến tận các trường, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định và kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh.

Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà trường, Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội trong việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật, nhằm từng bước nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.

Người lớn phải làm gương

Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai đúng quy cách khi điều khiển (hoặc được chở) xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy, xe đạp điện bị phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng.

Tuy nhiên, để xử lý từ gốc, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ chính phụ huynh và các em học sinh. 

Nếu phụ huynh không giao xe có dung tích xi-lanh vượt quá quy định cho con em mình; không cho con điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát việc con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… chắc chắn những vi phạm sẽ giảm đi đáng kể.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Chính phụ huynh phải là tấm gương sáng cho các con noi theo, vì sức khỏe và tính mạng của con em mình.

Từ ngày 5/9 đến nay, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã phối hợp với công an cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho gần 23.000 học sinh các cấp và hàng nghìn giáo viên. Đồng thời, qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý 785 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 427 phương tiện các loại.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.