Xã hội

Hà Nội: Tràn lan xây dựng trái phép ven đê sông Hồng, chính quyền bó tay?

11/05/2022, 14:00

Theo người dân địa phương, chính quyền đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng dường như “bất lực” trước hành vi cố tình vi phạm của nhiều đối tượng...

Dự án bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty Anh Sáng “treo” từ thời huyện Mê Linh còn đang thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp tục “mắc kẹt” khi địa phương này sáp nhập về Hà Nội.

Lợi dụng việc này, chủ đầu tư tự ý mua thêm đất ruộng, lén lút cắt đất bán.

Đến nay hàng chục kios, nhà xưởng mọc lên uy hiếp an toàn tuyến đê sông Hồng.

img

Nhà xưởng rộng gần 1.000m2 của Công ty Anh Sáng nằm sát chân đê sông Hồng

Nhan nhản công trình trái phép ven đê

UBND TP Hà Nội đang bắt đầu lập hồ sơ chỉ giới đỏ đường Vành đai 4 đi qua địa bàn 3 huyện của thành phố, trong đó điểm đầu của tuyến đường là xã Văn Khê, huyện Mê Linh.

Việc xã Văn Khê được chọn là điểm đầu của tuyến đường Vành đai 4 khiến giá đất khu vực này tăng lên nhanh chóng, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép cũng tăng đột biến.

Từ cuối năm 2021 tới nay, PV Báo Giao thông đã nhiều lần có mặt tại tuyến đê sông Hồng qua địa bàn xã Văn Khê, chứng kiến tốc độ xây dựng trái phép diễn ra rất nhanh chóng.

Tại khu vực tuyến đê chạy qua địa bàn thôn Khê Ngoại 2, tồn tại một khu đất rộng gần 15 nghìn m2 vốn trước đây là bãi tập kết vật liệu xây dựng, giờ mọc lên dãy kios san sát nhau, ngoài ra còn nhiều khu nhà xưởng, gara ô tô cũng thi nhau mọc lên.

Chỉ tay vào loạt công trình xây dựng trái phép, bà Nguyễn Thị T., ở thôn Khê Ngoại 2 cho biết: “Thời gian gần đây, các công trình xây dựng trái phép dọc hành lang đê trên địa bàn xã “mọc” lên nhan nhản.

Đặc biệt là công trình sát ngoài chân đê tại thôn Khê Ngoại 2 có chiều dài cả trăm mét thuộc khu đất của Công ty TNHH Anh Sáng.

Cả khu vực chân đê này vốn là ruộng lúa của người dân, từ khi các công trình này mọc lên, việc canh tác của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều thửa ruộng của chúng tôi không thể canh tác được như trước vì ruộng lúa bị chặn đường tiêu, thoát nước; xe chở vật liệu đổ xuống khu đất vốn là ruộng của dân”.

Chính quyền bất lực?

img

Chính quyền xã Văn Khê đề nghị công an vào cuộc điều tra sai phạm xây dựng loạt kios tại thôn Khê Ngoại 2

Khi PV tới làm việc, phản ánh về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng trái phép nằm dọc tuyến đê sông Hồng qua địa bàn xã Văn Khê, ông Lưu Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Khê thẳng thắn: “Các công trình của họ đều xây dựng trái phép, xâm phạm hành lang đê điều một cách nghiêm trọng. Xã đã vào cuộc rất nhiều lần, lập nhiều biên bản vi phạm rồi báo cáo huyện, cơ quan chức năng.

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép đang xảy ra tại tuyến đê sông Hồng qua địa bàn thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê. Nhiều lần chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an tạm giữ phương tiện, thiết bị vi phạm, xử lý vi phạm hành chính. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau họ lại lén lút vi phạm bất chấp sự ngăn cấm của lực lượng chức năng. Những sai phạm này mang tính hệ thống, tái phạm nhiều lần, coi thường pháp luật.

Ông Lưu Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Khê


Khi các đoàn công tác của huyện Mê Linh, HĐND TP Hà Nội về làm việc tại địa phương chúng tôi đều báo cáo, phản ánh đề nghị cấp trên chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm. Thậm chí vừa qua, tôi đã báo cáo đề nghị lãnh đạo huyện Mê Linh chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì”.

Theo tài liệu UBND xã Văn Khê cung cấp, những vi phạm xuất phát từ hơn 10 năm trước khi huyện Mê Linh còn thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, từ năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch khu đất rộng hơn 9.000m2 làm nơi chứa vật liệu xây dựng. Tỉnh giao khu đất này cho Công ty TNHH Anh Sáng, do ông Nguyễn Văn Sang (ở thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê) là người đại diện pháp luật thuê. Đến năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội nên dự án bị “mắc kẹt”.

Suốt thời gian dài, thay vì triển khai tiếp dự án bãi tập kết vật liệu xây dựng thì nhiều cá nhân trong Công ty TNHH Anh Sáng lại tiếp tục mua đất ruộng của người dân, mở rộng diện tích rồi tự ý mua bán, sang nhượng, nhiều người tự ý xây dựng hàng loạt công trình không phép trên diện tích này.

Đưa ra hàng loạt biên bản, báo cáo vi phạm, ông Lưu Văn Quân cho biết: Hiện những công trình vi phạm được các đối tượng xây dựng sát ngoài mặt đê, kéo dài cả trăm mét vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại Km 41+550 thuộc thôn Khê Ngoại 2.

“Xã đã tốn nhiều công sức để xử lý việc này, nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Thuỷ và ông Nguyễn Văn Sang, đều trú tại thôn Khê Ngoại 2. Các trường hợp này vi phạm về xây dựng công trình trái phép, đổ đất, chất thải xây dựng lên mái đê, cơ đê, hành lang bảo vệ đê”, ông Quân nói.

Được biết, hiện Công ty TNHH Anh Sáng đã được ông Nguyễn Kiêm Tám mua lại toàn bộ cổ phần.

Tại buổi làm việc với đại diện chính quyền xã, ông Tám cho biết: “Mọi người cứ nói các công trình vi phạm là của Công ty TNHH Anh Sáng nhưng thực tế, hàng chục kios được dựng lên do các thành viên cũ, trong đó có ông Nguyễn Văn Sang (là người sáng lập Công ty TNHH Anh Sáng) mua gom đất nông nghiệp của người dân nên người ta gọi là khu đất của Công ty TNHH Anh Sáng. Hiện đất của Công ty TNHH Anh Sáng chỉ có khoảng hơn 9.000m2”.

Tuy nhiên, thực tế, nhà xưởng đúc cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng do ông Nguyễn Kiêm Tám làm giám đốc nằm sát ngoài đê được dựng lên cũng khá hoành tráng.

Dù ông Tám cho rằng, nhà xưởng này chỉ khoảng hơn 600m2, có giấy phép đầy đủ, nhưng theo quan sát của PV thì nhà xưởng này có diện tích lên tới cả nghìn m2 và nằm sát ngoài chân đê, lẽ nào lại được cơ quan chức năng cấp phép dễ dàng như vậy?

Theo ý kiến của người dân địa phương, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhưng dường như “bất lực” trước hành vi cố tình vi phạm của nhiều đối tượng dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan tại khu vực này.

Theo các văn bản UBND xã Văn Khê cung cấp, từ cuối năm 2021, UBND xã nhiều lần báo cáo, đề nghị UBND huyện chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm tại khu đất, giao Công an huyện Mê Linh điều tra sai phạm (làm điểm). Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà từ đó tới nay, các đối tượng vi phạm chưa bị khởi tố, điều tra.

Khi một loạt văn bản đề nghị của UBND xã Văn Khê về việc đề nghị công an điều tra không được đáp ứng, các đối tượng vi phạm ngày càng “nhờn luật”, tiếp tục ngang nhiên xây dựng. Hậu quả là tới nay, hàng loạt công trình vi phạm đã được xây dựng uy hiếp hành lang đê sông Hồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.