Vận tải

Hà Nội: Uber, Grab đủ chiêu trò qua mặt CSGT vào phố cấm

30/01/2018, 08:41

Sau hơn nửa tháng, dù không còn ngang nhiên như trước, nhưng một số lái xe Uber, Grab vẫn tìm cách để qua mặt...

10

Chiếc Mazda CX-5 BKS 30E-075... của tài xế Ngọc Dương không hề được gắn logo nhận biếthay số hợp đồng của loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ (ảnh lớn); Chuyến đi từ số 3 Láng Hạ đến Bưu điện Cầu Giấy được tài xế Nguyễn Mạnh Tùng nhận chở dù đang trong khung giờ cấm (ảnh nhỏ)

Tài xế loay hoay tránh “vùng cấm”

Sáng 26/1, sau hơn nửa tháng Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 11 tuyến phố vào giờ cao điểm, ghi nhận của PV Báo Giao thông, các tài xế Grab, Uber không còn dám ngang nhiên lưu thông như những ngày đầu.

Cụ thể, vào lúc 8h24, tại số 11A Láng Hạ, PV đặt chuyến đi đến tòa nhà N2E trên đường Lê Văn Lương. Sau khoảng 7 phút, chuyến đi mới được tài xế Lê Như Nam xác nhận trên ứng dụng. Nhưng chỉ ít giây sau, tài xế này đã nhanh chóng gọi điện lại, đề nghị khách hàng hủy chuyến giúp do “Tuyến phố này cấm Grab đến 9h nên không vào được”.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tùy từng trường hợp mà người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu các mức phạt khác nhau đối với lỗi vi phạm đi vào đường cấm. Điểm b, Khoản 4, Điều 5, Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều.

Từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017, TTGT quận Hoàng Mai đã xử phạt 311 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe taxi, tước GPLX 9 trường hợp. Trong đó, có 26 trường hợp xe Uber và 31 trường hợp xe Grab. Còn từ ngày 1/1 - 26/1, Thanh tra quận lập biên bản kiểm tra xử phạt 12 xe Uber, Grab đi vào đường cấm.

Tại vị trí đó, PV đặt tiếp một hành trình dài hơn từ số 11A Láng Hạ đến đường Tố Hữu, cũng phải sau gần 10 phút chờ đợi, ứng dụng Grab mới hiển thị có tài xế Nguyễn Đắc Phi, chủ xe BKS 30E-053... nhận chuyến. Song một lát sau tài xế này đã gọi lại cho khách hàng thông báo: “Em đang ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, nếu anh di chuyển được xuống dưới đó thì em chở, nếu không hủy chuyến giúp em. Đường Láng Hạ cấm, em không đón ở vị trí anh yêu cầu được”.

PV tiếp tục di chuyển lên số 3 Láng Hạ (gần ngã tư Láng Hạ - La Thành), đặt chuyến đi đến Bưu điện Cầu Giấy bằng ứng dụng Uber, nhưng cũng bị tài xế tên Tiến Khanh, chủ xe BKS 30A - 929... từ chối.

Tuy nhiên, cũng không phải không có tài xế tìm cách né chốt CSGT để vào đường cấm đón khách. Lúc 8h30, PV đặt xe Grab và được tài xế Nguyễn Mạnh Tùng, chủ xe BKS 30E-385... chấp nhận chở. Sau ít phút, PV khá bất ngờ khi tài xế Tùng lái chiếc taxi hãng ABC đến đón khách. Trước thắc mắc của khách hàng, anh Tùng cho hay: “Em chỉ chạy taxi giờ cao điểm buổi chiều, giờ đó làm giá được, chạy taxi mới có công, còn buổi sáng em chạy Grab để kiếm thêm, mỗi tháng cũng được dăm bảy triệu”.

Theo tìm hiểu, tài xế này vừa đi từ cầu vượt Thái Hà lên và để tránh chốt CSGT ngay gần đó, từ số 3 Láng Hạ, tài xế này đã nhanh chóng cho xe chạy vào đường La Thành, di chuyển theo lộ trình: Láng Hạ - La Thành - Hào Nam - Giang Văn Minh - Kim Mã - Đào Tấn. Khi xe bắt đầu vào đường Nguyễn Văn Huyên, tài xế Tùng đã ngỏ lời với khách “đường Cầu Giấy cấm các loại taxi đến 21h nên lát nữa đến ngã ba Cầu Giấy - Nguyễn Văn Huyên, phiền anh xuống đó luôn và chịu khó đi bộ đến Bưu điện Cầu Giấy”. Dù PV đã cố thương lượng sẽ trả giá thêm, song anh Tùng khước từ.

Di chuyển đến số 134 Cầu Giấy, PV thực hiện đặt chuyến đi đến số 142 Giảng Võ và ngay lập tức được xác nhận bởi tài xế Ngọc Dương, chủ xe Mazda CX-5 mang BKS 30E-075.05. Đáng nói, dù chạy dịch vụ xe hợp đồng dưới 9 chỗ loại hình Uber, nhưng chiếc xe này không hề được dán logo nhận biết, số hợp đồng hay bất kỳ một thông tin liên quan nào.

Thậm chí, dường như để tránh sự “nhòm ngó” của CSGT, chiếc điện thoại hiện bản đồ hành trình còn được tài xế này đặt dưới vị trí cạnh cần số. Vì vậy, tuy đón khách trên cung đường cấm, nhưng tài xế Dương vẫn ung dung cho xe di chuyển từ bên dãy số lẻ vòng qua dãy số chẵn Cầu Giấy, sau đó mới rẽ vào đường Nguyễn Văn Huyên mà không vướng phải sự xử lý nào từ phía cơ quan chức năng.

Liên ngành sẽ mạnh tay xử lý

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đã lắp biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 11 tuyến phố, giờ cũng đã hết thời gian tuyên truyền nhắc nhở. Các lực lượng liên ngành gồm CSGT, Thanh tra GTVT, CSTT đã có căn cứ để xử phạt nghiêm các xe Uber, Grab đi vào đường cấm gây ùn tắc giao thông.

Cũng theo ông Viện, các xe Grab, Uber theo quy định đều phải dán logo. Cảnh sát và TTGT sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Còn nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi. Ông Viện cũng cho biết, các tuyến phố được cắm biển cấm không cố định lâu dài. Tuyến nào giảm ùn tắc sẽ được dỡ bỏ biển cấm, ngược lại tuyến nào ùn tắc nghiêm trọng sẽ được bổ sung. “Sở GTVT Hà Nội đã ban hành quy định rõ ràng, có căn cứ để xử phạt. Đề nghị các lực lượng liên ngành cùng vào cuộc xử lý nghiêm để kéo giảm ùn tắc”, ông Viện đề nghị.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, sau thời gian tuyên truyền, đã họp với các đội trưởng, đội phó đang cắm chốt ở các địa bàn có tuyến đường cấm và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào đường cấm, giờ cấm.

Ông Tưởng Đỗ Hiển, Đội phó Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai cho biết, đội đã bắt đầu xử phạt sau 10 ngày tuyên truyền, nhắc nhở. Giờ trên tuyến đường Giải Phóng có biển cấm các phương tiện cũng hạn chế vi phạm hơn. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với đội CSGT số 14, CSTT... chia ra làm các tổ công tác trong giờ cao điểm để làm sao vừa đảm bảo phân luồng, vừa đảm bảo công tác xử phạt nghiêm”, ông Hiển nói và cho biết, một trong những trở ngại là mọi hợp đồng giao dịch với khách hàng đều bằng điện tử, nên các lái xe Uber, Grab rất hay “lách luật” cho rằng xe gia đình. Trong khi đó, lực lượng TTGT không được kiểm tra điện thoại, chứng minh thư.

“Để xử phạt, trong quá trình xử lý chúng tôi thường phải tách chủ xe và người ngồi sau để dùng nghiệp vụ xác minh. Nên chăng, đối với xe taxi công nghệ, ngoài phù hiệu phải có logo nhận diện, trong đó mà logo nên gắn luôn vào thân xe mới ngăn chặn được”, ông Hiển đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.