Đô thị

Hà Nội ùn tắc liên miên, cách nào giảm nhiệt?

25/11/2022, 14:00

Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều nhóm giải pháp kỳ vọng xóa ùn tắc nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều nhóm giải pháp kỳ vọng xóa ùn tắc, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Vậy tới đây, Hà Nội cần làm gì để kéo giảm ùn tắc, nhất là thời điểm những tháng cuối năm?

Ùn tắc vì “nhồi” cao ốc giữa trung tâm

img

Đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm do bất cập trong quy hoạch khi xây dựng các tòa cao ốc, khu đô thị dày đặc. Ảnh: Tạ Hải

Theo ghi nhận, thời gian qua, hàng ngày vào giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc diễn ra trên nhiều tuyến phố khu vực nội thành Hà Nội.

Đặc biệt, tại một số điểm nóng như: Đường Nguyễn Xiển, nút giao Thanh Xuân, đường Tố Hữu, nút giao Xa La… ùn tắc kéo dài liên miên.

Chuyên gia giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do gia tăng dân số kéo theo phương tiện cá nhân tăng quá nhanh.

Diện tích dành cho giao thông còn thấp; bất cập trong quy hoạch khi để các tòa cao ốc, khu đô thị tập trung quá nhiều ở nội đô.

Tại khu vực đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) từ lâu trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc chung cư. Theo tính toán, dọc trục đường Nguyễn Tuân dài 720m nhưng có tới khoảng gần 7.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán. Sau khi các nhà máy di dời, các khu đất nhanh chóng xin chuyển đổi để xây dựng chung cư.

Cụ thể, dự án Thống Nhất Complex trước kia là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân (820 căn hộ và 87 căn liền kề) trước kia là Xí nghiệp xe bus 10/10. Dự án TNR Goldseason rộng 2,2ha trước kia là Xí nghiệp Dệt Mùa Đông...

Theo quan sát, các tiện ích nội khu, các sân chơi, khuôn viên hầu như không tìm thấy ở các dự án dọc đường này. Các dự án hầu như chỉ là tòa nhà xây sát mặt đường, không có cảnh quan, được bán với giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2.

Về mật độ giao thông, các chung cư này không chỉ “bóp nghẹt” đường Nguyễn Tuân mà cả các đường lân cận như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum... bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tắc đường triền miên ở khu vực này.

Cách đó không xa, trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu cũng thường xuyên ùn tắc do bất cập trong quy hoạch khi xây dựng các toà cao ốc, khu đô thị dày đặc, đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Theo một cán bộ quản lý về giao thông, thiết kế đường Lê Văn Lương chỉ phù hợp cho giao thông thời điểm năm 2010 - 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay lượng chung cư cao tầng mọc lên như nấm, gây áp lực quá lớn cho tuyến đường. Qua nghiên cứu, kể cả giờ thấp điểm ở đây cũng xảy ra ùn tắc.

Trên tuyến đường dài hơn 2km này có tới khoảng 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 - 30 tầng. Tại các tuyến đường kết nối ngang như: Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân… cũng dày đặc chung cư, cao ốc.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, để kéo giảm ùn tắc giao thông, thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện 9 nhóm giải pháp cụ thể.

Trong đó có các nhóm giải pháp như khắc phục quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành; khắc phục xung đột giao thông tại một số các nút giao có mật độ cao, xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép, hình thành các nút giao thông khác mức, giảm xung đột giao thông; rà soát các bất cập để điều chỉnh tổ chức lại giao thông phù hợp.

Để chống ùn tắc hiệu quả, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có xây dựng hệ thống xe điện ngầm (metro) cũng phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Đây là một giải pháp bắt buộc không thể thiếu trong tương lai. Bởi nó không chỉ giúp cải thiện nạn kẹt xe, giảm chi phí chuyên chở, giảm nhu cầu bãi đậu xe mà còn bảo đảm sự an toàn.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức


Tiếp đó là các nhóm giải pháp như hạn chế bất cập do quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường gây thu hẹp mặt cắt đường; giải quyết một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh đến thắt nút cổ chai, chưa kết nối gây ùn cục bộ; giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học, bệnh viện, khu đô thị, khu vực tập trung mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm dễ gây ùn tắc...

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những giải pháp này cũng chỉ là tình thế và Hà Nội cần phải có các chính sách căn cơ hơn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho rằng, trong quy hoạch Hà Nội, những người làm chuyên môn đã xác định việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô.

Những khu đất giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng. Khi nguyên tắc được xác định, đáng ra thành phố phải lập ngay quy hoạch chi tiết với từng miếng đất, lô đất và đưa ra xin ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, một trong những giải pháp căn cơ là thành phố cần thực hiện ngay việc dừng cấp giấy phép cho xây dựng các nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng trong khu vực nội đô. Đồng thời có thể mua lại những khoảnh đất đó để dùng lại vào cho mục đích công cộng, mở đường.

“Chúng ta cũng nên mua lại các chung cư ở khu vực ngoại thành, mở các tuyến đường nối các khu vực này với trung tâm, sau đó vận động, di chuyển người dân ra đó ở. Đây sẽ là một giải pháp mang tính dài hơi nhưng tôi cho rằng rất cần phải thực hiện”, bà Thủy nói.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý để điều tiết nhu cầu đi lại một cách hợp lý, cảnh báo sớm những nguy cơ ùn tắc thường xuyên hay đột xuất. Việc dự báo, cảnh báo sớm sẽ có thể can thiệp từ sớm, thay vì tập trung người giải quyết hậu quả.

Về lâu dài, TS. Đức cho rằng, giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng dựa trên các quy hoạch khoa học vẫn là biện pháp căn cơ, cốt lõi để hạn chế phương tiện cá nhân, kéo giảm tình trạng ùn tắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.