Đô thị

Hà Nội ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, cách nào khắc phục?

13/09/2022, 15:47

Tình trạng ùn tắc ở Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp, xóa điểm này lại dồn sang điểm khác.

Ùn tắc bủa vây không còn đường tránh

Hơn một năm trở lại đây, mỗi sáng, anh Nguyễn Công Dũng (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên phải ra khỏi nhà sớm hơn trước nửa tiếng bởi cung đường từ nhà đến Ngã Tư Sở nơi anh làm việc liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

img

Tuyến đường Nguyễn Trãi hướng đi Ngã Tư Sở dù rộng bậc nhất Thủ đô vẫn thường xuyên ùn tắc

Có thời điểm, anh Dũng phải đi mất 1,5 giờ cho quãng đường 8 cây số.

"Vài năm trước cứ 7 giờ tôi ra khỏi nhà để tới cơ quan làm việc kịp lúc 8 giờ. Từ một năm nay trở lại phải đi từ 6h30. Nếu di chuyển chậm hơn 10 - 15 phút, cả tiếng sau cũng không kịp tới nơi làm việc", anh Dũng chia sẻ.

Cùng chung bức xúc, chị Đào Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Cơ quan tôi ở quận Ba Đình. Ngày nào cũng phải đi đường Nguyễn Trãi lên Ngã Tư Sở, vào giờ cao điểm tắc cứng (nhất là thời gian từ 7h30 - 8h30). Có chọn đi sang đường Lê Văn Lương - Láng Hạ, giao thông cũng tê liệt giờ cao điểm. Cảm giác bất lực, không còn đường tránh. Chỉ có cách phải đi làm thật sớm”.

Chia sẻ với bức xúc này, chuyên gia giao thông Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, việc các toà cao ốc trong trung tâm hoặc gần nội thành Hà Nội mọc lên như nấm, phương tiện cá nhân tăng kéo theo khiến tình trạng ùn tắc tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

"Việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ cư dân tại đô thị bị nén chặt, càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chậm được triển khai hoặc chưa thu hút được nhiều người sử dụng", bà Thuỷ nói.

Sáng nay (13/9), có mặt trên trục đường Tố Hữu hướng đi Lê Văn Lương, ghi nhận của PV Báo Giao thông ngay từ thời điểm 7h30 sáng đã ken kín phương tiện. Vỉa hè cũng chật cứng người và xe.

Khoảng cách chỉ từ đoạn xây hầm chui Vành đai 3 tới cầu vượt Lê Văn Lương chưa đến 3km nhưng mất 25 phút di chuyển để qua khu vực này do ùn tắc.

Một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm hiện đang xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông như: Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã... việc đi lại rất khó khăn do thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

img

Giao thông đông đúc, chật như nêm trên đường

Vì sao ùn tắc ngày càng nhức nhối?

Cần phải nói rằng thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, trong đó tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai; cải tạo, mở rộng các tuyến đường xuyên tâm và nút giao thông trọng điểm...

Đặc biệt, một trong những giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông được ưu tiên trước mắt là giải tỏa các “điểm đen” ùn tắc, nhất là tại các nút giao.

Thế nhưng, ùn tắc trong giờ cao điểm vẫn diễn biết phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.

Theo thông tin mới nhất từ Sở GTVT Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm nay, thành phố mới xử lý được 3 “điểm đen” ùn tắc giao thông. Trước đó, cả năm 2021, thành phố tuy giải quyết được 10/37 “điểm đen”, nhưng lại phát sinh thêm 8 “điểm đen” mới.

Con số điểm đen ùn tắc của Hà Nội nhiều năm nay vẫn ở mức từ 30-35 điểm, bất chấp các nỗ lực của chính quyền Thành phố.

Hiện tổng số phương tiện do Công an TP Hà Nội đang quản lý (tính đến 14/5/2022) gồm 7,67 triệu phương tiện (trong đó có hơn 1 triệu ô tô, 6,4 triệu mô tô và hơn 179 nghìn xe máy điện.

Nguyên nhân ùn tắc được Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra là sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt một số tuyến đường hướng tâm dẫn vào trung tâm Thành phố: Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Nguyễn Thanh Bình - Tố Hữu - Lê Văn Lương, Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi...

Về nguyên nhân các đường phố đang ngày càng tắc hơn, Sở GTVT Hà Nội cho rằng "là do các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội được khôi phục sau thời kỳ dịch Covid, khiến lượng người đổ ra đường tăng cao hơn nhiều so với khi dịch còn phức tạp".

Cùng đó, việc hàng triệu học sinh sinh viên trở lại trường, kèm theo người đưa đón làm tăng áp lực giao thông tại các tuyến phố.

Đó là chưa kể đến việc hoạt động du lịch được mở lại trên cả nước khiến lượng người tham gia giao thông cũng tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm bị đóng băng trước đó...

Quản chặt xe cá nhân, thu phí phương tiện vào một số khu vực hạn chế

Sở GTVT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 với 37 nhóm giải pháp.

Đề án đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do phát sinh từ các phương tiện giao thông nhằm cải thiện nhu cầu đi lại, nâng cao chất lượng sống của người dân.

img

Người tham gia giao thông lưu thông trong mệt mỏi

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND, UBND Thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ. Kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung trong đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất giành cho giao thông tăng hơn. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng GTVT chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến Vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Khẳng định cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đặc biệt nhấn mạnh “giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông”.

Người đứng đầu Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết TP đang triển khai 6 nhóm giải pháp lớn để cải thiện tình trạng ùn tắc.

Trong đó, giải pháp thứ nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519.

Thứ hai, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý.

Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Thứ tư, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó, bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông in để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông.

Thứ sáu, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025” với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, điển hình như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông;

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực GTVT…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.