Quản lý

Hà Nội ưu tiên phát triển giao thông công cộng

01/08/2016, 07:02

Theo quy hoạch, đến năm 2030, nhu cầu vận tải khách tại Hà Nội sẽ đạt 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm.

3

Phụ xe trên tuyến xe buýt xã hội hóa (tuyến số 44, từ Mỹ Đình đi Trần Khánh Dư, Hà Nội) bán vé cho khách - Ảnh: Ngô Vinh

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng có năng lực vận chuyển cao, đồng thời lên kế hoạch hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân.

Năm 2030, vận tải công cộng đáp ứng 50% nhu cầu

Tại buổi công bố Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 diễn ra cuối tuần qua, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ đặc biệt quan tâm ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.

"Quy hoạch GTVT Thủ đô có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn định hướng phát triển GTVT của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Để quy hoạch trở thành hiện thực, Hà Nội và các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và triển khai quy hoạch. Hà Nội cần khẩn trương lập kế hoạch chi tiết triển khai quy hoạch”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Cụ thể, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần hơn 1,2 triệu tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh kết nối gần chục tuyến đường sắt đô thị phát triển hệ thống giao thông công cộng, khép kín đường vành đai, xây dựng nhiều cầu vượt sông. “Nguồn vốn được huy động từ các nguồn đầu tư khác nhau như: ODA, ngân sách, vốn vay thương mại, các hình thức hợp tác BT, BOT, PPP, BOO”, ông Viện nói và cho biết, căn cứ vào dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Quy hoạch đặt ra một loạt chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng cần phải hướng tới. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế dần, tiến tới cấm xe máy, các phương tiện cá nhân để tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bảo đảm thị phần loại hình này đạt 30-35% nhu cầu đi lại vào năm 2020; 50% nhu cầu vào năm 2030 và 70% cho những năm sau 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, nhu cầu vận tải khách tại Hà Nội sẽ đạt 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm. Nhu cầu vận tải hàng hoá liên tỉnh giữa Hà Nội và các tỉnh đạt khoảng một triệu tấn/ngày đêm, giữa các khu vực thông qua Hà Nội khoảng 0,6 triệu tấn/ngày đêm. Để đáp ứng điều này, đến năm 2030 Hà Nội sẽ phát triển hệ thống cao tốc 4-8 làn xe song hành với quốc lộ có lưu lượng lớn theo các hướng Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Hà Nội - Hòa Bình; Cao tốc Tây Bắc - QL5; Đường Hồ Chí Minh, Đại lộ Thăng Long và Pháp Vân, Cầu Giẽ được quy hoạch là cao tốc đô thị.

Với hệ thống đường sắt, Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt vành đai và đường sắt hướng tâm; Tổ chức tuyến đường sắt nội vùng (sử dụng chung hạ tầng với đường sắt quốc gia) để kết nối với các đô thị có bán kính cách trung tâm Thủ đô 50-70km. Khu vực đô thị trung tâm sẽ có 8 tuyến tàu điện một ray (monorail); 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT).

Phát triển giao thông công cộng, tiến tới hạn chế dần xe cá nhân

Chia sẻ quan điểm lập quy hoạch trên, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc, tiến tới hạn chế dần xe cá nhân. Giao thông công cộng là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc, phù hợp với điều kiện dân số đông, hạ tầng chật chội như Hà Nội. Việc định hướng đến năm 2020, Hà Nội cố gắng đưa thị phần vận tải công cộng từ 12% như hiện nay lên 35% và 50% đến năm 2030 là cần thiết.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, chỉ khi giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu và đạt trên 50% trở lên, việc hạn chế xe cá nhân mới khả thi.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đặng Minh Tân, Giảng viên bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT) cho biết, quy hoạch GTVT của Hà Nội đang theo tốc độ phát triển của các nước tiên tiến. Do đó, cần thiết phải ưu tiên hệ thống giao thông công cộng trong quy hoạch. Hệ thống này đang chiếm thị phần lớn ở những nước phát triển. Tuy nhiên, ngay cả quy hoạch của Hà Nội từ thời bao cấp để lại vẫn còn quá nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ… đấy là khó khăn lớn nhất để triển khai hệ thống giao thông công cộng, tiến tới cấm phương tiện xe máy.

Cũng theo TS. Tân, nhiều thành phố ở châu Âu hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy bằng cách không trực tiếp cấm mà sẽ tăng mức thuế xe máy lên cao, có thể hơn cả ô tô. Tại Trung Quốc, khi muốn hạn chế xe máy, ở một số thành phố đã áp phí đăng ký sử dụng phương tiện này rất cao. “Thuế, phí xe máy bằng mua một chiếc ô tô, tự khắc người đi xe máy sẽ không dùng nữa. Còn nếu cấm cực đoan, trực tiếp khi vận tải công cộng chưa đạt được sẽ rất khó khả thi”, TS. Tân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.