Đô thị

Hà Nội vẫn đang lãng phí hàng chục hầm bộ hành

31/03/2021, 13:36

Các hầm đi bộ đều được đầu tư trang bị tiện nghi, hiện đại, không gian rộng rãi, có mái che, cầu thang thuận tiện nhưng đều vắng người qua lại.

img

Hầm bộ hành gần chợ Cầu Diễn được đơn vị quản lý môi trường xếp hàng dài 4 - 5 xe rác trông rất nhếch nhác

Để đảm bảo ATGT cho người dân khi đi qua các trục đường lớn đồng thời nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, từ năm 2007-2008, Hà Nội đưa vào sử dụng hàng chục hầm đi bộ với chi phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng.

Các hầm đi bộ được phân bổ ở nhiều tuyến đường như: Vành đai 3, nút giao đường 32 với đường 70, Ngã Tư Sở, nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các hầm đi bộ trên đều được đầu tư trang bị tiện nghi, hiện đại, không gian rộng rãi, có mái che, cầu thang thuận tiện vệ sinh khá tốt, luôn có nhân viên vệ sinh túc trực và lau dọn thường xuyên. Tuy vậy, đa phần các hầm đi bộ đều vắng người qua lại.

Tại hầm bộ hành trước Bến xe Mỹ Đình ghi dòng chữ "Hầm đi bộ" song nhiều người qua lại khu vực này vẫn phớt lờ. Từ điểm đỗ xe buýt, hàng chục người xếp hàng ngang ào ào băng trên mặt đường thay vì đi xuống hầm, mặc cho làn xe cộ vây quanh.

img

Nhiều người đi bộ băng qua đường dù khu vực này nằm giữa hầm H4, H5 trên đường Phạm Hùng (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Quan sát của PV, khu vực này có rất đông người đi bộ qua lại song trong khoảng 20 phút chỉ có lác đác 2-3 người đi xuống hầm để sang đường vào bến xe. Thi thoảng, một vài người đi bộ đứng xem xét, rồi họ vẫn không đi xuống hầm mà chạy qua đường.

Tại hầm bộ hành gần chợ Cầu Diễn, dù được xây dựng đồng bộ hệ thống chiếu sáng... nhưng phía trên mặt đường sát hầm được đơn vị quản lý môi trường xếp hàng dài 4-5 xe rác rất nhếch nhác, nhiều người đi qua thờ ơ băng ngang sang đường thay vì xuống hầm.

Em Thùy Linh, sinh viên năm cuối Đại học Thương Mại chia sẻ, em di chuyển chủ yếu bằng xe buýt nên phải sang đường rất nhiều, tuy nhiên em hay sang đường trực tiếp hơn là đi bộ qua hầm. “Mỗi lần xuống hầm đi bộ là em phải nhìn trước ngó sau, đi một mình dưới hầm em luôn nghĩ nếu gặp phải đối tượng xấu thì không biết kêu cứu với ai”, Linh nói.

Cô Thanh, công nhân ở đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) chia sẻ: “Có hôm đi qua hầm lúc 7h30 phút tối, một thanh niên đuổi theo đằng sau, tôi sợ quá, cố đi thật nhanh, may mắn là gặp một chú trung tuổi đang đi xuống hầm nên thanh niên đó bỏ đi. Sau vụ việc đó, tôi chỉ đi qua hầm khi đi làm ban ngày, còn khi tối về tôi đi tắt đường khác, tuy xa hơn nhưng an toàn”, cô Thanh kể.

img

Trong hầm heo hút, không một bóng người qua lại - Ảnh chụp tại hầm đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội)

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, Hà Nội cần lắp đặt hệ thống camera trong hầm để người dân có thể yên tâm hơn khi đi bộ qua hầm.

“Đầu tư hầm rất tốn kém, nhưng khi khai thác chưa hiệu quả, cần đánh giá lại để khắc phục, tránh đầu tư ngân sách hàng trăm tỷ đồng song để lãng phí”, ông Thạch nói.

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với hầm bộ hành, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên đưa nội dung giáo dục về ATGT vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Sở này đề nghị với cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.

“Về lâu dài, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cầu vượt, hầm bộ hành bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như: lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất ATGT”, đại diện Sở GTVT TP Hà Nội cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.