Quản lý

Hà Nội: Vì sao bến xe tư nhân ngắc ngoải?

20/03/2015, 10:20

Doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng bến xe khang trang nhưng bị gây “khó dễ".

21

Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội luôn trong tình trạng vắng đìu hiu

Việc sắp xếp phương tiện vào các bến xe không tuân thủ theo chỉ đạo của thành phố dẫn đến tình trạng bến thì quá tải, bến thì quanh năm chỉ đạt 1/3-1/2 công suất thiết kế. Thực trạng này được ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm nêu ra tại cuộc đối thoại do Sở GTVT Hà Nội tổ chức sáng 19/3, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Bến xe Nước Ngầm.

Nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại cho rằng, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng bến xe thì việc bất hợp lý, không công bằng trong việc phân luồng tuyến đối với Bến xe Nước Ngầm - bến xe được xây dựng theo mô hình xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội đã vô hình trung làm nản lòng các nhà đầu tư.

Bến là “chảo lửa”, bến vắng quanh năm

Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, khó khăn duy nhất hiện nay là lượng xe về Bến xe Nước Ngầm quá ít. Theo quy định, công suất tối đa của mỗi bến xe trên địa bàn Hà Nội lần lượt là: Bến xe Nước Ngầm 350 lượt/ngày; Bến xe Giáp Bát 900 lượt/ngày; Bến xe Mỹ Đình 800 lượt/ngày; Bến xe Gia Lâm 600 lượt/ngày; Bến xe Lương Yên 450 lượt/ngày...

Tuy nhiên, trong thời gian qua, người có trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội lại không sắp xếp phương tiện vào các bến theo văn bản đã ban hành, dẫn đến tình trạng bến thì quá tải, bến thì luôn trong tình trạng chưa đủ tải. Riêng Bến xe Nước Ngầm sau 10 năm thành lập chỉ đạt 1/3-1/2 công suất thiết kế.

“Mặc dù trong suốt thời gian qua luôn trong tình trạng lỗ vốn nhưng chúng tôi vẫn đầu tư để đảm bảo bến xe có điều kiện hoạt động tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý Nhà nước xem xét lại việc phân bổ, điều tiết các tuyến xe ra vào các bến cho hợp lý”, ông Lập cho biết.

Theo ông Lập, vì hoạt động chuyển đổi sang Bến xe Mỹ Đình một cách tự do nên từ tháng 7/2007- 9/2009, Sở GTVT Hà Nội đã phải ra thông báo Bến xe Mỹ Đình ở trong tình trạng quá tải nên tạm dừng toàn bộ các tuyến vận tải ở phía Nam và ở một số tỉnh khác vào Bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, sau khi có văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận xe vào Bến xe Mỹ Đình thì không những không dừng mà ngay sau đó, Sở GTVT Hà Nội vẫn quyết định cho xe vào Bến xe Mỹ Đình.

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho rằng, nếu Hà Nội cứ thực hiện việc phân luồng tuyến để phát triển theo mong muốn của doanh nghiệp thì Bến xe Mỹ Đình sẽ là tâm điểm, là “chảo lửa”, còn những bến xe khác chỉ là “vùng quê hiu quạnh”, lúc đó sẽ không còn vai trò quản lý của Nhà nước. “Tôi không bao giờ dám đề nghị chuyển tuyến này, tuyến kia vào Bến xe Nước Ngầm, tôi chỉ đề nghị thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội”, ông Lập nêu quan điểm.

Ai đã làm trái chỉ đạo của thành phố?

Cho rằng quy trình làm việc của Sở GTVT Hà Nội không hợp lý, ông Lập dẫn chứng: “Năm 2007, Thông tư 16 ra đời, đồng thời văn bản 1425 của Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT cũng có hiệu lực, quy định chuyển tất cả tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An vào Bến xe Nước Ngầm, nhưng chỉ sau có 5 tháng, Sở GTVT Hà Nội đã điều xe đang hoạt động ở Bến xe Nước Ngầm sang Bến xe Mỹ Đình.

Gần 10 năm nay, trong khi Bến xe Nước Ngầm chưa sử dụng hết công suất thì Sở GTVT đã thông báo Bến xe Nước Ngầm quá tải và hướng doanh nghiệp chuyển sang Bến xe Mỹ Đình. “Từ đó đến giờ chúng tôi chưa bao giờ đủ tải, trong khi bến khác quá tải", ông Lập khẳng định và nêu lý do: "Trong khi đã có văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận các xe vào Bến xe Mỹ Đình, thì ngày 28/9/2007, Văn bản 2580 do đồng chí Linh (Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - PV) ký lại chấp thuận cho 5 xe của Công ty CP đầu tư Du lịch đang chạy ở bến tôi chuyển về Bến xe Mỹ Đình”.

Lý giải những vấn đề giám đốc Bến xe Nước Ngầm nêu ra, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, Sở luôn thực hiện vai trò của cơ quan tham mưu, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, của UBND thành phố. Riêng về việc ký cho 5 xe đang hoạt động ở Bến xe Nước Ngầm về Bến xe Mỹ Đình trong khi bến này đã quá tải, ông Linh giải thích rằng, từ năm 2007 đến khi có Thông tư 16, việc chấp thuận cho xe vào các bến vượt quá tầm của các Sở, khi ấy các doanh nghiệp và các bến xe tự thỏa thuận với nhau.

“Thời điểm đó các doanh nghiệp theo thỏa thuận không cần phải qua Sở để vào được các bến xe. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp vào bến xe rồi thì tôi vẫn yêu cầu phải có thỏa thuận của Sở để chúng tôi quản lý số lượng đầu xe, chứ đó không phải văn bản có tính pháp lý, dựa vào văn bản đó mà xe được vào bến”, ông Linh trần tình.

Khẳng định lý giải trên chưa thỏa đáng, ông Lập tiếp tục dẫn chứng các văn bản do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện ký, yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo là điều chuyển bổ sung một số tuyến vận tải khách cho bến xe Nước Ngầm. Trong khi đó, ông Linh lại thực hiện trái với những quy định ấy. “Buổi đối thoại ngày hôm nay, theo tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề, cũng chưa tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn cho Bến xe Nước Ngầm, vì vậy tôi vẫn thấy chưa thỏa đáng”, ông Lập cho hay. 

Không thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo

Ngày 18/7/2013, UBND TP Hà Nội ra văn bản về kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, yêu cầu đến ngày 15/8/2013, sắp xếp, điều chuyển để giảm tần suất các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Mỹ Đình đi các tỉnh giảm từ 20-30% lưu lượng theo hướng chuyển bớt về một số bến xe khác như: Bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm… Ngày 16/12/2014, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện ký văn bản cho phép Bến xe Nước Ngầm được tiếp nhận một số lượt xe/ngày đối với các tuyến từ ngoài thành phố vào theo hướng QL1A đi phía Nam; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; QL1B; QL5 cầu Thanh Trì. Ngày 27/12/2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký văn bản giao Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chuyển một số tuyến vận tải khách tại các bến xe quá tải như: Mỹ Đình, Giáp Bát... về Bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, theo ông Lập, các văn bản chỉ đạo này đều đã không được thực hiện. Trong khi các bến xe khác như: Mỹ Đình, Giáp Bát... đang quá tải trầm trọng thì Bến xe Nước Ngầm mới chỉ đạt công suất 200 lượt/ngày, bằng 1/4 công suất cho phép (theo công suất mới mà thành phố cho phép, Bến xe Nước Ngầm được tiếp nhận 800 lượt xe/ngày).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.