Dư luận phản ánh tình trạng “hóa phép” cầu 4 năm thành 37 tuổi để xin 72 tỷ đồng xây cầu mới - Ảnh minh họa
Liên quan vụ việc “hóa phép” tuổi cầu phao Lương Phúc để xin 72 tỷ xây cầu mới, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký quyết định giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát công tác đầu tư, xây dựng, giá dịch vụ, yếu tố kỹ thuật, tải trọng, ATGT, thu tiền,... qua cầu phao này. Kết quả rà soát báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 8/5.
“Từ kết quả kiểm tra, rà soát, huyện Sóc Sơn chủ động làm việc và cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí để phản ánh khách quan các nội dung liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác cầu phao Lương Phúc hiện tại; sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu theo quy hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết nối giao thông liên tỉnh, phục vụ người dân lưu thông thuận lợi, an toàn,đặc biệt trong mùa mưa bão”, văn bản do ông Tuấn ký yêu cầu.
Cùng đó, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, rà soát toàn bộ các cầu yếu, cầu phao tạm thời trên địa bàn để có kế hoạch đầu tư, cải tạo, sửa chữa, thay thế.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về hiện trạng cầu phao Lương Phúc (xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội), bắc qua sông Cà Lồ, phục vụ người dân đi lại giữa Hà Nội và Bắc Ninh. Theo văn này, cầu phao Lương Phúc được xây dựng từ năm 1984, hiện đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất ATGT và đề nghị TP Hà Nội cho phép xây dựng một cây cầu cứng để phục vụ người dân từ nguồn ngân sách của thành phố.
Trong nội dung văn bản gửi UBND TP Hà Nội có chữ ký xác nhận của đại diện của 3 Sở gồm: GTVT; Quy hoạch kiến trúc; KH&ĐT và UBND huyện Sóc Sơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, những thông tin nêu trên là chưa chính xác. Cụ thể năm 2013, cầu phao Lương Phúc được xây mới với tổng kinh phí là 5,7 tỷ đồng và đưa vào khai thác từ 2017. Trước khi được đưa vào sử dụng, ngày 16/11/2017, đề cương kiểm định và kết quả kiểm định cầu đã được gửi đến Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn có biên bản giao nhận. Hiện cầu phao này đang phục vụ xe thô sơ, xe máy và ô tô dưới 9 chỗ.
Như vậy, cây cầu trên mới được đưa vào sử dụng từ năm 2017, tính đến nay mới khai thác được 4 năm, trong khi, 3 sở của Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn đưa ra văn bản cho rằng, cây cầu này được xây dựng từ năm 1984, tương đương 37 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận