Năm 2020 được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một chu kỳ mới về đầu tư hạ tầng giao thông sau khoảng thời gian dài trầm lặng. Trong khoảng 5-10 năm tới, hàng loạt dự án giao thông lớn, tầm cỡ quốc gia sẽ được triển khai xây dựng, hứa hẹn tạo ra một bức tranh hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.


Qua thời bĩ cực


Những ngày cuối năm 2019, tại trụ sở Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) trong con ngõ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội), không khí làm việc khẩn trương khác hẳn trước đây.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI hồ hởi: "Khó khăn sắp qua rồi. Giờ là lúc công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn chuẩn bị kết thúc, anh em giao thông tới đây sẽ có rất nhiều việc để làm".

img

Theo ông Sơn, bức tranh đầu tư hạ tầng giao thông trong 3 năm trở lại đây rất u ám, thể hiện rõ qua nguồn công ăn việc làm của các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp, chủ đầu tư đều giảm sút lớn từ 2016 đến nay.

Có chăng một số nhà thầu tìm được nguồn việc làm từ một số dự án đầu tư theo hình thức BOT nhưng khối lượng không đáng kể.

Ví chu kỳ phát triển hạ tầng giao thông giống như một sơ đồ hình sin, ông Sơn cho rằng, giai đoạn 2016 - 2019 là lúc sơ đồ đi xuống và năm 2019 là thời điểm chạm đến cực tiểu của hình sin. Theo quy luật, sau khi chạm đáy là thời điểm bắt đầu đi lên của một chu kỳ mới.

img

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (thứ hai, từ trái sang) khảo sát hiện trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

"Từ năm 2020, hơn 650km thuộc 11 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam bắt đầu đưa vào thi công, cùng với 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách sử dụng vốn 15.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cũng đồng loạt khởi công và nhiều dự án nâng cấp nhà ga, sân bay, bến cảng… được triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian tới sẽ đem lại khối lượng công việc rất lớn cho các nhà thầu giao thông, tạo ra một chu kỳ mới đầy hứa hẹn", ông Sơn nói.

Khó khăn về nguồn việc trong giai đoạn vừa qua không chỉ đến với các nhà thầu, mà cả các Ban Quản lý dự án (PMU) giao thông cũng chịu tác động rất lớn, nhiều PMU rơi vào cảnh ăn đong, nợ lương triền miên.

Bởi đặc thù của nghề quản lý dự án là khi có dự án thì có tiền, khi hết dự án là hết tiền.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra cầu Vàm Cống trước khi khánh thành tháng 5/2019.

Ông Phạm Hồng Sơn, Nguyên Giám đốc Ban QLDA2 chia sẻ, giai đoạn 2016 - 2019, đơn vị không có dự án mới để triển khai, nguồn thu cực kỳ khó khăn, PMU2 đã phải đi vay đối tác để trả lương cán bộ, nhân viên và duy trì bộ máy hoạt động.

"Chúng tôi cố gắng động viên mọi người đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Sơn chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất sắp ở lại phía sau, mở đường cho một chu kỳ với xán lạn hơn với các đơn vị trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông.

Đặc biệt trong 5-10 năm tới, rất nhiều dự án mới quy mô lớn đã được Bộ GTVT giao các đơn vị lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư, hứa hẹn tạo ra một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ trong cả nước theo hướng, đồng bộ, hiện đại.


Đến hồi thái lai


img

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Thông tin toàn cảnh về “bức tranh” đầu tư hạ tầng giao thông trong 5 năm tới, đại diện Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Đồng thời, triển khai đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác trong mạng lưới cao tốc, đặc biệt là các tuyến vành đai, kết nối với trung tâm kinh tế lớn như: Hà Nội và TP HCM.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT dự kiến triển khai đầu tư khoảng 2.915km đường bộ cao tốc.

Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có khoảng 4.927km đường bộ cao tốc được triển khai đầu tư, đưa vào khai thác.

Ngoài hệ thống đường cao tốc, ngành GTVT sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp khoảng 3.267km các tuyến quốc lộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu vận tải.

Đối với lĩnh vực hàng không, trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 dự án CHK quốc tế Long Thành.

img

CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu.

Dự kiến đầu tư nâng cấp các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Điện Biên, Cần Thơ, Đồng Hới, Pleiku, Liên Khương, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo.

Ở lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với các hạ tầng lớn, các tuyến mới, hiện đại...

Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai các dự án: Cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp các cầu, cải tạo bình diện để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có nhất là các tuyến: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai; Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP Hà Nội và TP HCM...

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải quan trọng, trong đó nâng cấp một số cầu có kích thước khoang thông thuyền không đảm bảo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật, cùng hệ thống kết nối và hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đồng bộ phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa...

img
img

Trong thời gian tới, ngành GTVT cần tập trung nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, nhất là hoàn thành nối thông các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời, tập trung triển khai thi công để hoàn thành giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025 và chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc có tính liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; ở phía Bắc cần tập trung đầu tư để thông tuyến hành lang ven biển; Đầu tư tuyến đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kéo dài tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên...

Ngoài ra, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần ưu tiên đầu tư hoàn thành các tuyến đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh), Vành đai 4 (TP Hà Nội) và tập trung hoàn thành một số tuyến đường sắt đô thị để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố này.

img

Cao tốc Bắc - Nam.

img

Trong 5 - 10 năm tới, ngành GTVT cần phải có định hướng đầu tư rõ ràng, bằng thực tiễn mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Đầu tiên, là phải cân đối đầu tư hợp lý giữa các loại hình giao thông, nhất là giữa đường bộ với đường sắt.

Thời gian qua, ngành đường bộ phát triển quá mạnh, quá nhanh và chiếm đến 70 -80% tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong khi, hệ thống đường sắt gần như bị bỏ quên.

Nguồn lực chúng ta còn thiếu, nhưng không thể để ngành đường sắt lạc hậu và yếu kém suốt mấy chục năm qua. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chúng ta nên làm theo từng đoạn, cuốn chiếu để từng bước hiện đại hóa ngành đường sắt, sau đó, mới tính đến chuyện đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Về tổng thể, trong 10 năm tới, ngành GTVT cần ưu tiên đầu tư cho đường sắt, đồng thời, sớm hoàn thành mở rộng hai sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, kết hợp đẩy mạnh hệ thống logistics.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.