Xã hội

Hạ tầng giao thông cải thiện, thúc đẩy đáng kể tăng trưởng kinh tế

24/07/2021, 10:21

Sáng nay (24/7), Bộ trưởng KH&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hoàn thành đưa vào khai thác được 468 km đường bộ cao tốc

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua.

Trong đó, 11.100 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương (NSTW), giảm gần một nửa so với giai đoạn 2011-2015.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Từ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân nêu trên, 5 bài học kinh nghiệm được rút ra.

Một là, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, tập trung nguồn lực cao độ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hai là, phải nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực.

Ba là, nâng cao năng lực thực hiện gắn với công tác chỉ đạo, điều hành thống nhất từ trung ương đến địa phương, xác định rõ và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu (trong các khâu của quá trình đầu tư từ lập, giao, phân bổ kế hoạch, triển khai kế hoạch nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư); đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Bốn là, tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế phân cấp, triển khai thí điểm các cơ chế đột phá, tổ chức đánh giá, nhân rộng để thể chế hóa thành quy định pháp luật; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Năm là, đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là “vốn mồi” để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tỷ lệ giải ngân bình quân hàng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất, trên 97,46%.

Về kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Trong giai đoạn này đã hoàn thành đưa vào khai thác được 468 km đường bộ cao tốc (bao gồm các dự án do địa phương kêu gọi đầu tư), nâng cấp được 600 km quốc lộ, 31 cầu lớn và cầu trung (với một số dự án lớn như cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1, các cầu: Hưng Hà, Thịnh Long, Vàm Cống, Cao Lãnh), cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, 13 km đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, cải tạo một số tuyến luồng hàng hải, đường nội địa cấp bách, một số cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Mặc dù kết quả đạt được cơ bản là tích cực, đã từng bước cơ cấu lại đầu tư công theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm đầu kỳ kế hoạch chậm, nhất là vốn nước ngoài. Một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017, 2018 nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan, chủ quan vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối NSNN giai đoạn 2021-2025.

Đến 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Về định hướng đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong lĩnh vực giao thông, đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn tới Cà Mau và một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn, kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; Nâng cấp đường cất hạ cánh tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài; đầu tư nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không Điện Biên, Côn Đảo; xây dựng một số nhà ga tại các cảng hàng không quá tải (Phú Bài, Đồng Hới, Đà Nẵng, Phù Cát, Tuy Hòa...); Cải tạo đường băng, đường lăn, sân đỗ một số cảng hàng không, cải tạo các điểm nghẽn, nâng cấp các tuyến đường sắt, ưu tiên là tuyến đường sắt thống nhất; chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; đầu tư đường ven biển; hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

img

Đến 2025 sẽ hoàn thành Cảng HKQT Long Thành (giai đoạn 1)

Báo cáo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết dự kiến kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 910 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự kiến chi 4.723 tỷ đồng cho Bộ GTVT để thanh toán cho Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hơn 8.047 tỷ đồng dự kiến thu hồi vốn ứng trước của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; hơn 56,8 nghìn tỷ đồng bố trí vốn đối ứng các dự án ODA, vốn góp nhà nước cho các dự án PPP và các nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Đối với vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương (270 nghìn tỷ đồng), dự kiến kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để phân bổ chi tiết cho các dự án đã có chủ trương đầu tư hơn179,6 nghìn tỷ đồng. Dự kiến cho các nhiệm vụ hơn 90 nghìn tỷ đồng, gồm bố trí cho TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN và TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN trong trường hợp Bộ Chính trị cho phép chuyển từ cho vay lại sang cấp phát; Bố trí cho các chương trình, dự án đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục ký kết Hiệp định, phê duyệt chủ trương đầu tư và các vấn đề phát sinh.

Tổng số vốn NSTW dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1% của tổng số vốn kế hoạch; kế đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7%; Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8…

Trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giao thông là ngành nhận được sự ưu tiên cao nhất về bố trí vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2025, chiếm 52,3% số vốn NSTW và 68,8% của số vốn kế hoạch bố trí cho các hoạt động kinh tế trong cùng giai đoạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định sẽ bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc 21 Chương trình mục tiêu của giai đoạn trước; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP. HCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.