Thế giới giao thông

Gói đầu tư giao thông lớn nhất tại Mỹ chính thức được ký vào ngày 15/11

11/11/2021, 06:35

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký dự luật đầu tư hạ tầng liên bang trị giá 1,2 nghìn tỉ USD vào ngày 15/11 tới.

Những tuyến cao tốc 60 năm tuổi, những cây cầu hư hại lâu năm không được sửa sang, hệ thống đường sắt huyết mạch tụt hậu so với Trung Quốc... là vấn đề nhức nhối tại Mỹ trong suốt nhiều năm qua.

Nhưng tất cả được kỳ vọng sẽ thay đổi trong thời gian tới khi Tổng thống Mỹ chính thức ký dự luật, thông qua gói ngân sách hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, trong số đó một nửa (600 tỷ USD) được dùng để cải thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông Mỹ lâu đời, xập xệ và giảm chất lượng.

Theo thông báo của Nhà Trắng, sự kiện trọng đại này sẽ có sự tham gia của các thành viên Quốc hội Mỹ những người đã góp phiếu ủng hộ để thông qua dự luật tại nghị trường.

img

Mỹ sẽ chi 110 tỷ USD cho các dự án đường bộ Ảnh: New York Times

Đây là cơ hội hiếm có trong hàng chục năm cho phép các bang có thể thực hiện những dự án hạ tầng lớn, trong dài hạn, tạo thêm việc làm và tăng xung lực cho các địa phương.

Nhà Trắng nhận định, ngân sách dành cho giao thông kể trên sẽ là mức đầu tư liên bang lớn nhất trong lịch sử ngành vận tải.

Theo chi tiết kế hoạch dự chi được tờ New York Times công bố, có thể thấy, Chính phủ Mỹ ưu tiên nhất cho các dự án hạ tầng đường bộ, cầu với 110 tỷ được phân bổ.

Ưu tiên thứ 2 là đường sắt với tổng chi 66 tỷ USD cho cả đường sắt chở khách, chở hàng. Theo Nhà Trắng, khoản đầu tư vào đường sắt chở khách lần này được đánh giá là lớn nhất kể từ khi Tập đoàn đường sắt Amtrak thành lập năm 1971.

Tạp chí Mỹ The Week đánh giá, với ngân sách mới, năng lực chở khách, chở hàng của đường sắt sẽ nhanh hơn, đáng tin cậy và tiếp cận xa hơn. Nhưng người dân Mỹ không nên kỳ vọng nước này sẽ có đường sắt tốc độ cao như châu Âu hay Trung Quốc vì số tiền này chỉ đủ để tháo gỡ những vấn đề tồn đọng của Amtrak.

Tiếp đó là phần ngân sách dành cho kế hoạch xanh hóa giao thông với 39 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống vận tải công cộng; 11 tỷ USD được chi cho ATGT, bao gồm các chương trình giảm thương vong ở người đi bộ và người đi xe đạp. Các dự án liên quan tới sân bay được nhận khoảng 25 tỷ USD và các dự án cảng được đầu tư 17 tỷ USD và nhiều khoản chi khác.

Các cơ quan chính phủ sẽ quyết định dự án nào được cấp vốn. Đa phần sẽ tập trung giải quyết những dự án mà từ lâu các bang không thể quyết do tranh cãi chính trị và thiếu vốn đầu tư.

Chẳng hạn, bang New Jersey có thể tiếp cận ngân sách để xây dựng Đường hầm Gateway. Hạ tầng tại đường hầm này đã bị bão Hurricane tàn phá gần 1 thập kỷ nay và chịu hư hại nặng nhưng không thể sửa chữa vì chi phí lên tới 13 tỷ USD.

Với kế hoạch gần như chạm hết ngõ ngách hạ tầng giao thông, nhiều quan chức địa phương như ông Mark Poloncarz, Trưởng hạt Erie, bang New York hồ hởi: “Dự luật này sẽ thay đổi tất cả”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.