Điều tra

Hà Tĩnh: Dân khát bên công trình nước sạch 18 tỷ “đắp chiếu”

30/05/2017, 10:36

Được đầu tư 18 tỷ đồng nhưng chỉ mới đưa vào hoạt động một thời gian ngắn, công trình nước sạch đã “đắp chiếu”.

28

Công trình nước sạch xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ đang "đắp chiếu"

Đầu tư 18 tỷ, hoạt động được vài tháng

Sáng 26/5, PV Báo Giao thông có mặt tại nhà máy nước sạch Gia Phố nằm trên địa bàn xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đập vào mắt chúng tôi là không khí vắng lặng im lìm khác thường của một nhà máy. Càng tiến vào trong, khung cảnh trông hoang tàn, thê thảm. Cổng chính được khóa bởi một ống khóa dây, hàng rào sắt bị trộm nhiều thanh chắn để lại những lỗ hổng trống hoác. Cách cửa chính không xa, một cột trụ bê tông nứt, đổ nghiêng kéo theo một đoạn hàng rào cả hai cánh cửa chính xiêu vẹo theo. Chui qua lỗ hổng nơi hàng rào sắt, chúng tôi vào bên trong. Hầu hết các phòng đều khóa cửa im lìm, không một bóng người, không một máy móc nào vận hành. Không ai dám nghĩ đây là một công trình được đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Hiền, trú ở xóm 3, xã Gia Phố bức xúc: “Tháng 3/2014, nhà máy nước sạch Gia Phố đưa vào hoạt động nhưng chỉ được ít tháng thì ngừng. Đến năm 2015, nhà máy được sửa chữa, khắc phục hoạt động thêm ít tháng nữa rồi bỏ hoang từ đó đến nay”.

Cũng đầu tư gần 1 tỷ đồng, nhưng người dân xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ thậm chí còn không được “nếm mùi” nước sạch bởi công trình đã “chết yểu” ngay từ ngày vận hành thử thứ 2. Khung cảnh hiện nay của công trình cũng chỉ còn một căn nhà cấp 4 hai gian bỏ hoang, trở thành nơi trú ngụ của trâu bò.

Trên địa bàn huyện Đức Thọ còn có một nhà máy nước sạch ở xã Đức Lạng được đầu tư với nguồn vốn gần 7 tỷ đồng cũng “đắp chiếu” sau một thời gian vận hành. May mắn hơn, nhà máy nước sạch Đức Lạng đang được UBND huyện Đức Thọ đầu tư sửa chữa để vận hành trở lại.

29
Các thiết bị, máy móc ở nhà máy nước sạch Gia Phố bị gỉ sét ăn mòn

Dân bức xúc vì công trình “đắp chiếu”

Qua tìm hiểu của PV, cuối năm 2011, xã Gia Phố được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt công suất 1.500m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng. Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư. Qua gần 4 năm thi công, đến tháng 3/2014, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho địa phương (trực tiếp là HTX Nước sạch - Môi trường Gia Phố) quản lý, khai thác. Quá trình vận hành, công trình phải tạm dừng 2 lần do trạm bơm đầu mối hư hỏng và trạm bơm nước thô mất điện khiến máy bơm nước bị hỏng. Đầu năm 2015, UBND xã Gia Phố gửi công văn đề nghị chủ đầu tư khắc phục sự cố và bàn giao lại công trình. Trong thời gian này, do quản lý lỏng lẻo nên kẻ gian đã lấy cắp 2 máy bơm phèn, 1 máy bơm Javen của công trình. Từ tháng 10 đến tháng 11/2016, tại địa phương liên tiếp xảy ra 5 đợt lũ khiến hạng mục máy bơm đầu mối bị đất cát bồi lấp, đường ống dẫn nước hư hỏng nặng nên công trình phải “đắp chiếu” từ đó đến nay.

"Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 36 nhà máy nước sạch. Trong đó, nhà máy nước sạch Gia Phố được đầu tư hơn 18 tỷ đồng đang phải “đắp chiếu” do mưa bão gây hỏng hóc. Hiện, UBND tỉnh đã đồng ý cấp hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa. Chúng tôi đang làm hồ sơ, thủ tục để sửa chữa, khoảng 3 tháng nữa nhà máy có thể vận hành trở lại. Ngoài ra, trên địa bàn còn nhiều công trình nước sạch nhỏ, cung cấp nước cho một vài thôn, xóm do các xã làm chủ đầu tư như Đức Dũng thì đã bị thanh lý từ năm 2013. Nguyên nhân là do năng lực đầu tư, quản lý của các xã còn hạn chế”.

Ông Hồ Đình Hoài
Phó giám đốc Trung tâmNước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Tĩnh

Ông Lê Quang Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phố cho hay, toàn xã có 12 thôn với 4.560 hộ. Trong đó, có khoảng gần 1.000 hộ ở các xóm Phố Thịnh, Phố Cường và xóm 8, 9 (nay thuộc thị trấn Hương Khê) có nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu, nhiễm xăng. Nhà máy nước sạch sử dụng gián đoạn trong một thời gian ngắn rồi bỏ hoang đến nay khiến nhân dân rất bức xúc. “Cuộc họp nào dân các xóm cũng kiến nghị, nhưng việc sửa chữa là vượt tầm của xã khiến chúng tôi rất khó trả lời. Đến nay xã đã có 9 văn bản gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT kiến nghị giải quyết”, ông Hòa nói.

Còn ông Phạm Trọng Thiện, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ cho biết, nhà máy nước sạch Đức Dũng được đầu tư xây dựng từ năm 2008 với số vốn gần 1 tỷ đồng. Năm 2009, nhà máy đi vào hoạt động thử được 2 ngày rồi dừng lại từ đó. Nguyên nhân là do quy trình vận hành chưa bài bản, sau đó qua các đời chủ tịch không ai quan tâm nên hư hỏng như bây giờ. “Hiện, nước ở 2 xóm gần nhà máy là xóm 8, 9 bị nhiễm phèn, có mùi tanh và màu đỏ. Nhưng nhà máy không hoạt động nữa nên xã đành phải cho khảo sát để thanh lý tài sản rồi cho người dân thuê lại đất sản xuất nông nghiệp để tránh lãng phí”, ông Thiện cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.