Hạ tầng

Hà Tĩnh, Quảng Bình rốt ráo xây các khu TĐC thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam

27/01/2023, 18:30

Hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện thủ tục xây dựng các khu TĐC phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam...

Gấp rút hoàn thiện thủ tục xây dựng các khu tái định cư (TĐC)

Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 13/1, các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,79km, đạt 100% khối lượng.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đi kiểm tra hiện trường dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, đoạn qua Hà Tĩnh, Quảng Bình. (Ảnh tư liệu)

Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm đếm tài sản trên đất với phạm vi 126,47km, đạt 99,44%, phần khối lượng công việc còn lại thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Các địa phương đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cơ bản bàn giao đủ 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp.

Ông Phạm Văn Năm - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết: Để triển khai dự án cao tốc, có khoảng 3.082 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, có 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 21 xã; các địa phương sẽ bố trí 27 khu tái định cư với diện tích hơn 75 ha. Có khoảng 3.605 ngôi mộ bị ảnh hưởng, đã xác định bố trí 17 khu nghĩa trang với diện tích hơn 104 ha tại 15 xã, số ít còn lại đang được di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

img

Ngoài các cuộc họp để thống nhất các phương án TĐC cho các hộ dân thì chính quyền các cấp cơ sở ở Hà Tĩnh thường đến nhà các hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, có phương án hợp lý cho từng hộ dân.

Hiện nay, còn 23 hộ gia đình có công trình xây dựng, cơi nới trên tuyến, trong đó, huyện Quảng Trạch còn 16 hộ và huyện Lệ Thủy còn 7 hộ.

Theo ông Trần Xuân Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, toàn huyện có 3 khu TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích 7,96 ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và 7 khu nghĩa trang cho 1.056 ngôi mộ cũng đã lập phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, tiến độ GPMB đã đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT, tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn thấp, vì vậy, thời gian tới tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần bám sát để đốc thúc tiến độ.

Về tiến độ GPMB các khu TĐC, nghĩa trang, theo ông Trần Thắng, ngoài huyện Quảng Ninh làm tốt thì tỉnh đang đốc thúc các địa phương khác khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các dự án để sớm thi công.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi bàn giao mặt bằng đợt 1 dự án cao tốc Bắc - Nam cho chủ đầu tư, các địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện công tác GPMB phần còn lại của công trình như bồi thường đất ở, cất bốc mồ mả, di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật… với mục tiêu bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Trong số các công việc của GPMB thì việc kiểm đếm, áp giá bồi thường đất ở, tài sản trên đất, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân di dời phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam được dự báo là khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian.

Song song với việc kiểm đếm đất ở, tài sản trên đất, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam các địa phương đang gấp rút thực hiện các bước xây dựng khu tái định cư để đảm bảo nơi ở mới có hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Với 800 hộ dân thuộc diện di dời tái định cư và cất bốc gần 800 ngôi mộ, Hà Tĩnh sẽ cho xây dựng 26 khu tái định cư và 4 nghĩa trang (2 nghĩa trang xây mới ở huyện Kỳ Anh và mở rộng 2 nghĩa trang hiện có ở Thạch Hà, Can Lộc).

Mong muốn nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ

Xã Quảng Phương là một trong những địa phương của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam. Có khoảng 40 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất làm cao tốc.

Là 1 trong những hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, ông Nguyễn Huy Đình (xã Quảng Phương, H. Quảng Trạch) cho biết, sau khi biết dự án đi qua nhà và phải di dời đến nơi ở mới, ban đầu gia đình cũng rất tâm tư vì đã gắn bó với mảnh đất này từ thủa cha ông. Tuy nhiên, tại các cuộc họp thôn, xóm rồi đến cấp cao hơn, gia đình được sự tư vấn, giải thích kỹ từ các cán bộ nên cũng an tâm.

img

Với tiêu chí nơi ở mới phải tốt hoặc bằng nơi cũ nên được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất

“Chúng tôi hi vọng, về nơi ở mới có có vị trí thuận lợi, cao ráo, hạ tầng đầy đủ để xây dựng nhà mới...”, ông Đình nói.

Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch thông tin, để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, huyện Quảng Trạch sẽ xây dựng 6 khu TĐC cho 118 hộ dân với diện tích 15,2ha; ngoài ra, địa phương còn bố trí 6 khu nghĩa trang cho 1.100 ngôi mộ...

“Tiêu chí trong xây các khu TĐC là nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nên việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư được địa phương lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, tổ chức họp lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng. Hiện đã phê duyệt quy hoạch 2 khu TĐC, 4 khu đang thẩm định...”, ông Thanh nói.

Với 226 hộ dân phải di dời tới nơi ở mới, Can Lộc dự kiến xây dựng 5 khu TĐC với tổng diện tích gần 21ha gồm: Kim Song Trường 2 khu TĐC (thôn Phúc Yên diện tích 4,86ha, thôn Đông Vĩnh diện tích 2,9ha); Trung Lộc 1 khu TĐC diện tích gần 2ha ở thôn Minh Hương; Quang Lộc 1 khu TĐC diện tích 2,87ha ở thôn Ban Long; Sơn Lộc 1 khu TĐC diện tích khoảng 8ha ở thôn Thịnh Lộc.

img

Một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua Nghệ An, Hà Tĩnh

Ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin, việc quy hoạch xây dựng các khu TĐC được địa phương lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, tổ chức họp lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng.

Đến nay, huyện đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng về việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các khu TĐC. Trường hợp được chấp thuận, huyện Can Lộc tiến hành công tác GPMB tại các khu TĐC trước khi bắt tay vào việc xây dựng hạ tầng.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thống, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc có khoảng 2.000m2 vuông đất nông nghiệp bị thu hồi để làm đường. Đến nay, ông Thống đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị để làm dự án đường cao tốc.

Ông Thống nói, mức giá đền bù hiện tại sát với khung giá đất theo quy định của Nhà nước: “Ngay từ khi mới nghe thông tin về dự án cao tốc đi qua trên phần đất để gia đình sản xuất nông nghiệp thì gia đình và bản thân tôi có băn khoăn. Bởi, từ bao đời nay, gia đình sống nhờ vào làm nông. Nếu thu hồi đất rồi thì lấy gì mà làm ăn?!”.

Sau nhiều cuộc họp từ huyện đến xã, được cán bộ các cấp tuyên truyền, giải thích và hiểu được mục đích ý nghĩa của dự án, tôi đã nhận tiền bàn giao diện tích đất để làm dự án.

Khác với gia đình ông Thống chỉ bị ảnh hưởng đất sản xuất, gia đình ông Nguyễn Hữu Đa có 2 lô đất ở nằm trọn trong phạm vi đường cao tốc Bắc - Nam. Chia sẻ với PV, ông Đa cho rằng, chẳng ai muốn rời bỏ đất tổ tiên, hương hỏa để lại đã gắn bó với bao thế hệ trong gia đình để đến vùng ở mới cả. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được ý nghĩa to lớn của dự án cao tốc và được tận mắt xem khu đất được làm TĐC thì gia đình tôi cũng phần nào yên tâm mà rời đi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.