Hạ tầng

Hà Tĩnh, Quảng Bình vượt mốc tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

11/08/2022, 13:31

Với khối lượng công việc khổng lồ nhưng với sự chủ động và quyết tâm cao nhiều địa phương tự tin sẽ rút ngắn tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc.

Mỗi tỉnh 1 cách làm, không để khó khăn tồn đọng

Tại Hội trường UBND xã Kỳ Văn, Ban QLDA Đầu tư xây dựng cơ bản huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phối hợp với Hội đồng GPMB xã tổ chức cuộc họp vào sáng 9/8 - đối thoại với 151 hộ dân có nhà, đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Không hề có sự căng thẳng, đối đáp gay gắt như ở các cuộc họp GPMB thông thường khác, ở cuộc họp này, lãnh đạo Ban và xã giành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến của người dân.

img

Thành viên Hội đồng GPMB huyện Kỳ Anh giải thích cho người dân về chính sách khi di dời sang khu tái định cư.

Bà Võ Thị Minh (59 tuổi, thôn Hoà Hợp) là một trong 26 hộ phải di dời sang khu tái định cư, cho biết: Đây là cuộc họp thứ 4 tại xã, nhưng là lần đầu lấy ý kiến của người dân về quy hoạch của khu tái định cư. Nhà tôi có 300m2 đất ở và 1.000m2 đất vườn. Do nằm trên tuyến chính của cao tốc nên chính quyền thông báo nhà tôi sẽ phải di dời để cho nhà nước làm đường.

Qua các cuộc họp và đối thoại, đến nay tôi đã hiểu và hoàn toàn chấp hành theo chủ trương chung của Nhà nước. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình là nâng diện tích phân lô ở khu TĐC từ 300m2 lên 400m2 để gia đình sinh hoạt được thuận lợi.

Ngoài ra, tôi còn có đứa con cả làm trong miền Nam, tuy nó đã tách khẩu nhưng chúng tôi đã hứa chia đất ở quê cho gia đình cháu để sau này về quê sinh sống. Nay dự án lấy đất, tôi mong muốn được tạo điều kiện mua thêm suất nữa ở khu TĐC cho cháu.

Ý kiến thắc mắc của bà Minh, cũng như các hộ dân ở đây liên quan đến giá đền bù, nguồn gốc đất, tách thửa, tách hộ, bố trí thêm đất tái định cư... đều được hội đồng ghi nhận và cam kết sẽ trả lời thỏa đáng trong lần họp tiếp theo.

Ông Phan Việt Hùng - Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXDCB huyện Kỳ Anh, cho biết: Ở Kỳ Anh ngoài 618 hộ có đất nông nghiệp và đất rừng bị ảnh hưởng, còn phải GPMB đất ở của 95 hộ, xây 3 khu tái định cư. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc khảo sát các khu TĐC và đang lấy ý kiến người dân trước khi trình các sở ngành thẩm định phê duyệt.

Ông Hùng cũng cho biết: Nhằm đạt mốc Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh giao, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực làm song song các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.

Thông thường 1 khu TĐC từ khi khảo sát cho đến thi công xong nhanh nhất cũng phải mất 6 tháng, nếu Chính phủ cho cơ chế chỉ định thầu, chắc chắn chúng tôi sẽ rút ngắn được khoảng 2 tháng làm thủ tục. Đây cũng là mấu chốt để huyện về đích GPMB đúng thời hạn.

img

Dù được bàn giao mốc sau cùng, nhưng TP Đồng Hới đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất công tác GPMB trước 20/11/2022.

Còn tại Quảng Bình, thời điểm này từ cấp tỉnh cho đến các sở ngành địa phương cũng đang dồn toàn lực cho GPMB cao tốc. Đi đến bất kể phòng ban nào, câu chuyện GPMB cũng được đặt lên hàng đầu.

Ông Phạm Xuân Bằng - Phó phòng QLCL Sở GTVT Quảng Bình, thành viên Ban GPMB tỉnh, cho biết: Từ khi nhận nhiệm vụ (tháng 2/2022) đến giờ, chúng tôi làm việc không có thứ 7, CN. Cuối tuần anh em ở Sở tiếp nhận số liệu làm báo cáo trình tỉnh, còn tại địa phương lãnh đạo, cán bộ chia nhau đi hiện trường, gặp mặt đối thoại với người dân.

Tính đến thời điểm này, Quảng Bình đã hoàn thành 100% công tác trích đo hiện trường cho 125,86km đường cao tốc, tương đương 1.115,2 ha đất (sớm hơn 1 tuần so với mốc tỉnh đề ra). Ra thông báo thu hồi đất và kiểm đếm tài sản được 99,36/125,86km (đạt 78,94%); Đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng 41 khu, vị trí TĐC...

Ông Bằng cho biết: Để chuẩn bị cho GPMB, ngay từ đầu tỉnh đã chủ động cử cán bộ học hỏi kinh nghiệm của Quảng Trị và Hà Tĩnh (2 địa phương có dự án cao tốc GĐ1). Tiếp đó, xây dựng 1 kế hoạch riêng nhằm chi tiết hoá các mốc tiến độ mà Chính phủ, Bộ GTVT giao, để các địa phương, các ngành cùng thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành quy chế làm việc giữa các Hội đồng GPMB và Ban chung của tỉnh.

img

Làm sớm công tác trích đo hiện trường và quy chủ là chìa khóa để Hà Tĩnh, Quảng Bình đạt mục tiêu về đích sớm trong GPMB.

Ông Bằng cho biết: Ở Quảng Bình có đặc thù là 70% diện tích GPMB là đất rừng, đất lúa. Trước đây, vì nhiều lý do mà việc quản lý ở cấp cơ sở chưa chặt chẽ, mỗi khi GPMB thường bị kéo dài vì việc quy chủ, xác định nguồn gốc đất. Chính vì vậy, lần này tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên làm sớm công tác trích đo hiện trường làm cơ sở phê duyệt phương án thu hồi đất rồi kiểm đếm quy chủ (xác định chủ sở hữu) sớm.

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong GPMB sẽ được cập nhật báo cáo hàng tuần và mỗi tháng một lần tỉnh sẽ họp giải quyết. Ngoài những khó khăn vượt thẩm quyền phải kiến nghị cấp trên xử lý thì đến nay không vấn đề nào địa phương kiến nghị mà tỉnh để tồn đọng sang kỳ họp tiếp theo.

Chúng tôi đặt mục tiêu tới tháng 11/2022 sẽ hoàn thành 70% khối lượng GPMB và bàn giao các đoạn còn lại trong Quý II năm 2022.

Cần thêm chính sách đặc thù

Dù GPMB được giao về cho các địa phương thực hiện, nhưng với vai trò là đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án nên ngay từ khi được Bộ giao nhiệm vụ, Ban QLDA 6, Ban QLDA Thăng Long đã thành lập Ban điều hành dự án tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng thời, bố trí nhân lực bám địa bàn, xử lý công việc một cách linh hoạt.

img

Ông Hoàng Chiến Thắng - Giám đốc QLDA cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng nêu các vấn đề liên quan đến mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc.

Kỹ sư Phạm tuấn Cường - cán bộ Ban Điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam, Ban QLDA 6, cho biết: Tính ra thời gian từ khi giao mốc đến lúc khởi công (dự kiến cuối năm 2022) vỏn vẹn hơn 8 tháng. Vì làm gấp nên các địa phương, Ban, Bộ đều vào cuộc quyết liệt với ý thức cao.

Chưa thấy dự án nào có kết nối và sự chung tay như này. Khi có vấn đề phát sinh thì địa phương, Bộ đều xắn tay giải quyết. Đến nay, các địa phương đang làm và bám rất sát tiến độ được giao, thậm chí có nơi còn vượt, như: 12,9km đoạn Vũng Áng - Bùng, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm kê xong, còn Quảng Bình thì làm cuốn chiếu rất nhanh gọn.

Ông Hoàng Chiến Thắng - Giám đốc QLDA cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, cho biết: Hà Tĩnh hiện đã làm xong công tác trích đo, quy chủ. Hiện chỉ chờ kiểm đếm, áp giá là chi trả tiền cho dân. Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh còn yêu cầu các địa phương đến 20/11 phải bàn giao 90% khối lượng GPMB cho Ban (vượt 20% so với yêu cầu của Chính phủ).

“Thuận lợi của Hà Tĩnh là đã thực hiện xong việc số hóa trong quản lý đất đai nên việc quy chủ rất đơn giản. Bản thân chính quyền và người dân cùng mong muốn sớm có tuyến cao tốc để thúc đẩy phát triển KT-XH nên công tác tuyên truyền, vận động luôn nhận được sự đồng thuận cao”, ông Thắng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay điều các Ban QLDA và địa phương lo lắng không nằm ở GPMB đất, nhà ở của dân mà tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, công trình quân sự và mỏ vật liệu.

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới cho biết: Ngày 25/6, chúng tôi mới nhận bàn giao mốc GPMB (chậm 2 tháng so với các huyện thị) nhưng nếu người dân không thay đổi ý định về TĐC thì tới tháng 11/2022, Đồng Hới sẽ về đích GPMB.

Tuy vậy, hiện còn vấn đề liên quan đến di dời trường bắn quân sự. Nếu đền bù di dời 1 phần theo quy định thì phía Bộ chỉ huy quân sự không đồng ý, còn di rời cả phải có ý kiến từ Chính phủ.

Ông Thắng thì nêu: "Trong Nghị quyết 18, có đề cập việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật như: cáp quang, đường điện cao thế, đường ống nước... sẽ giao cho chính đơn vị chủ quản thực hiện. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể giao như thế nào, kinh phí bố trí ra sao, vai trò của địa phương khi GPMB... Bên cạnh đó, đối với mỏ vật liệu vẫn cần thêm cơ chế đặc thù.

Như Hà Tĩnh, nếu tính theo quy hoạch mỏ là đủ, nhưng thực tế các mỏ đang khai thác mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu về đất đắp, 50% về cát... Với số lượng này chắc chắn không đủ để nhà thầu làm.

Vậy muốn có vật liệu thì phải làm trước, nhưng làm trước thì kinh phí khảo sát mỏ, đánh giá trữ lượng, chất lượng ai chi trả; cơ chế đặc thù cho phép nhà thầu khai thác mỏ theo quy hoạch để phục vụ dự án, đến nay chưa chỉ định thầu. Chưa có nhà thầu đồng nghĩa với việc chưa có mỏ. Đó là chưa kể muốn khai thác mỏ phải làm thủ tục, thương lượng chủ đất rất mất thời gian và tỉ lệ thành công thấp.

Ban đang tập hợp các ý kiến kiến nghị từ địa phương để báo cáo Bộ, Chính phủ xin thêm các cơ chế đặc thù để dự án triển khai được thuận lợi".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.