Y tế

Hai anh em ruột tử vong mắc khuẩn Whitmore: Cần kiểm tra cả nguồn nước

18/11/2019, 16:46

Trong thời gian ngắn, 2 trẻ nhỏ trong cùng một gia đình tại Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong đều mắc khuẩn Whitmore

img
Trong thời gian ngắn, 2 trẻ nhỏ cùng một gia đình tại Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong đều mắc khuẩn Whitmore

Chiều nay, 18/11, trao đổi với báo chí, ông Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận 2 trẻ nhỏ cùng một gia đình tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong, cùng chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Cụ thể, ngày 27/10, cháu T.C.V., 5 tuổi sốt 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng chỉ ở nhà, không điều trị. Sáng sớm 28/10, gia đình đưa bé V. vào Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị. “Dù được điều trị tích cực nhưng đến 21h ngày 31/10, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10, đến ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore”, ông Điển thông tin.

Sau đó, ngày 10/11, em của bé V. là T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 - 4 ngày sau chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua. Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với khuẩn gây bệnh Whitmore .

Trước hai ca tử vong liên tiếp là anh em ruột, ông Điển cho biết, phải xem xét đặc tính của những người trong gia đình của bệnh nhân. “Với trường hợp này, chúng tôi cũng lưu ý xem các cháu có bị suy giảm miễn dịch hay không. Tuy nhiên kết quả kiểm tra miễn dịch thể, dịch tế bào, kể cả các chức năng bạch cầu…, các bé đều trong giới hạn, có nghĩa là các bé đều có đáp ứng miễn dịch bình thường. Còn các xét nghiệm sâu hơn thì chúng tôi chưa có điều kiện”, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương nói.

Theo ông Điển, cũng cần kiểm tra, xem xét thói quen sinh hoạt trong gia đình bệnh nhân, như cách thức ăn uống, tắm giặt… và cả nguồn nước dùng hằng ngày. ”Cần xem cháu bé có bị xây xước hay không, cách vệ sinh vết xây xước đó ra sao? Vì thực tế, khuẩn Whitmore tồn tại xung quanh chúng ta, nhiều nhất ở bùn đất, luôn sẵn sàng tấn công con người. Chính vì thế, việc phòng ngừa hữu hiệu nhất khi chúng ta biết cách vệ sinh, ăn chín uống sôi”, ông Điển nói.

Được biết, gia đình bệnh nhân gồm 7 người. Trong đó, ông bà nội của các bệnh nhân tuy đã có tuổi nhưng đều khỏe mạnh không có biểu hiện nghi mắc. Bố mẹ các cháu đều là công nhân cũng có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi mắc bệnh tương tự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.