Xã hội

Nguy hiểm con đường “thò ra, thụt vào” ở Hải Dương

14/09/2021, 06:43

Dù đã được sửa chữa nhưng đường tỉnh 392B chạy qua địa phận xã Thanh Giang xuất hiện nhiều đoạn “thắt cổ chai” phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Đoạn đường “thò ra, thụt vào”

Đường tỉnh 392B là tuyến đường quan trọng nối các xã, thị trấn của huyện Thanh Miện (Hải Dương) với các địa phương lân cận trong tỉnh Hải Dương.

Tuyến đường này từ lâu đã trong tình trạng xuống cấp nên từ năm 2020, tỉnh Hải Dương đã triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường với chiều rộng từ 5,5m lên 9m.

img

Đường tỉnh 392B đoạn qua xã Thanh Giang tồn tại nhiều điểm “thắt cổ chai” do vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Tuyến đường tỉnh 392B được mở rộng, nâng cấp là niềm mong mỏi của người dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt của địa phương.

Tuy vậy, đoạn qua địa phận xã Thanh Giang lại xảy ra tình trạng “thò ra, thụt vào”. Thay vì chạy thẳng với chiều rộng mặt đường 9m thì có những đoạn đột ngột “thắt cổ chai”, chỉ còn 5,5m.

Anh Nguyễn Đức Tâm, lái xe thường xuyên đi qua đoạn đường này chia sẻ: “Đường đang rộng rãi, đẹp đẽ, tự nhiên có những đoạn đột ngột thắt lại chỉ còn chưa đầy 6m khiến lái xe bất ngờ luống cuống. Không những thế, những đoạn đó lại có mặt bằng chênh lệch với đường nên lái xe bất ngờ không xử lý kịp. Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn, rất may chưa có thiệt hại về người”.

Đại diện Đội CSGT-TT, Công an huyện Thanh Miện cho biết, đường tỉnh 392B đoạn qua xã Thanh Giang mới được làm lại nhưng mất mỹ quan và nguy hiểm cho người dân do có nhiều điểm chưa được giải phóng mặt bằng.

Có chỗ, vỉa hè của các gia đình lấn gần hết một làn đường tạo thành nút “thắt cổ chai”. Một số đoạn người dân tự ý xây dựng, bày bán hàng quán, dựng bảng, biển rất nguy hiểm, mất ATGT, nhất là vào ban đêm.

“Do chưa giải phóng xong mặt bằng”

Theo tìm hiểu, năm 2020, Ban quản lý dự án các công trình giao thông (khi đó thuộc Sở GTVT, nay là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương) triển khai dự án sửa chữa tuyến đường tỉnh 392B.

Tại địa bàn xã Thanh Giang dự án sửa chữa đoạn từ Km 9+400 - Km 10+450 với chiều dài hơn 1km. Đồng thời mở rộng mặt đường từ 5,5m lên 9m. Khi đó, tại 2 bên đường có 226 thửa đất của các hộ dân.

Đường tỉnh 392B đi qua địa phận xã Thanh Giang có những đoạn chưa GPMB do giữa chính quyền địa phương và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, dù đã có nhiều cuộc họp giải quyết.
Người dân đòi bồi thường giá cao trong khi dự án không có kinh phí GPMB. Chính vì vậy, năm 2020 để giải quyết vấn đề cấp bách, chủ đầu tư đã sửa chữa, nâng cấp tuyến đường tại những nơi đã hoàn thành GPMB. Những đoạn còn lại, chủ đầu tư giao cho huyện Thanh Miện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân và sửa chữa sau.
Ông Đào Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hải Dương)

Để thực hiện việc mở rộng đường, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân hai bên đường đồng ý giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Tuy nhiên do kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách sự nghiệp giao thông nên không có tiền đền bù đất, mà chỉ thực hiện vận động.

Nhiều hộ dân đã đồng ý cho mượn đất để làm đường, nhưng vẫn còn nhiều hộ không đồng ý, dẫn đến tình trạng đường đã sửa chữa, mở rộng xong từ lâu nhưng còn nhiều điểm “thò ra, thụt vào”.

Đại diện UBND xã Thanh Giang cho biết, do dự án không có kinh phí bồi thường mà chỉ vận động người dân hiến đất, có cơ chế hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn.

Có những hộ dân trước khi dự án triển khai đã đồng ý hiến đất làm đường, nhưng sau đó lại đổi ý, đòi bồi thường GPMB. Bởi vậy nên mới nảy sinh tình trạng tuyến đường có đoạn bị “thắt cổ chai”.

Được biết, trong 226 thửa đất hai bên đường tỉnh 392B có 133 thửa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nằm trong phạm vi GPMB. Phần diện tích này vướng rất nhiều công trình và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã vận động người dân cho mượn đất và viết giấy cam kết để dự án triển khai đúng tiến độ.

Sau này khi bố trí được kinh phí, địa phương sẽ đền bù cho các hộ dân. Tuy nhiên nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án này.

Một số người dân cho biết, việc họ không đồng ý là vì đất của họ có “sổ đỏ” và đang có giá trị cao trong giao dịch bất động sản. Mặc khác, trong cam kết không nêu rõ giá đền bù là bao nhiêu và bao giờ họ nhận được đền bù.

Tới nay, những vướng mắc quyền lợi giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa được giải quyết dẫn đến tình trạng còn một số điểm “thò ra, thụt vào” rất phản cảm, gây mất ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.