Quản lý

Hải Dương: Nhập nhèm cấp phép xây cảng thủy không trong quy hoạch

09/08/2018, 06:57

Hải Dương lại cấp phép cho dự án sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng trên sông Kinh Môn...

5

Cảng thủy hàng hóa Phú Thái với một phần diện tích cảng thuộc phạm vi dự án xây cảng mới có sự chồng chéo vùng đất, vùng nước

Chấm dứt rồi lại… cấp phép

Đầu tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại bãi ven sông Kinh Môn thuộc địa bàn xã Kim Lương và thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương. Khu vực bãi này cách cầu An Thái từng xảy ra vụ tàu mắc kẹt vào tháng 3/2016 chỉ vài trăm mét. Đây là địa điểm dự án xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thế Anh.

Dự án được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008, với mặt bằng đất bãi ven sông hơn 20.900m2, quy mô đóng mới tàu 5.000 tấn và kinh doanh cảng bốc xếp hàng hóa 74.000 tấn/tháng. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 83,7 tỷ đồng, xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010, thời hạn hoạt động 50 năm. Tuy vậy, đến nay, sau 10 năm được cấp chứng nhận đầu tư, dự án vẫn im lìm và chưa có bất cứ hoạt động xây dựng nào trên thực địa.

Ngày 21/2/2017, Sở GTVT Hải Dương có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương không đề nghị điều chỉnh vùng nước của cảng thủy Phú Thái để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn cho phương tiện hoạt động, hàng hóa thông qua cảng. Ngày 25/9/2017, Sở GTVT Hải Dương tiếp tục có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương không đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN điều chỉnh lại vùng nước cảng thủy nội địa Phú Thái đã công bố.

Theo một số người dân địa phương, trong thời gian đầu dự án được chấp thuận đầu tư gây ra không ít sóng gió tại địa bàn, do những tranh chấp liên quan đến cảng Phú Thái và dự án cảng chuẩn bị xây dựng. Nguyên nhân do một phần đất của dự án nằm chồng chéo vào vùng đất của cảng Phú Thái vốn đã được tỉnh cấp trước đó 4 năm.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, chủ đầu tư ký hợp đồng với UBND thị trấn Phú Thái thuê (trái thẩm quyền) hơn 11.000m2 đất bãi khu vực trên để làm bến bãi và kinh doanh vật liệu tạm thời. Trong thời gian khai thác bến bãi, đơn vị này bị cơ quan chức năng địa phương kết luận có nhiều việc làm vi phạm luật xây dựng, đê điều, gây bức xúc cho người dân địa phương. Sau đó, chủ đầu tư trình UBND tỉnh Hải Dương dự án xây dựng cơ sở đóng mới và cảng bốc xếp hàng hóa với thời hạn 50 năm nhưng lại không thông báo cho chính quyền thị trấn, huyện. Vì vậy, những khúc mắc liên quan đến mặt bằng dự án trong thời gian dài vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, sau 10 năm triển khai, dự án mới hoàn thành thủ tục đất đối với hơn 3.700m2 (thuộc xã Kim Lương, bãi đất trống), còn phần đất địa bàn thị trấn Phú Thái vẫn tranh chấp, khiếu kiện.

Trước tình hình trên, tháng 2/2016, chủ đầu tư dự án do gặp khó khăn về tài chính đã đề nghị được chấm dứt dự án, thu hồi diện tích đất được cấp và được UBND tỉnh Hải Dương đồng ý. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư đề nghị gia hạn thực hiện dự án và UBND tỉnh Hải Dương lập tức bãi bỏ chủ trương chấm dứt, tiếp tục gia hạn dự án này.

Cảng không có trong quy hoạch

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Hùng Thắng, Giám đốc Cảng thủy nội địa Phú Thái cho biết, tháng 7/2018, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương liên tục mời đại diện cảng giải quyết thủ tục liên quan đến phần đất đang chồng lấn, tranh chấp, phục vụ cho dự án.

“Việc tỉnh Hải Dương đã chấm dứt dự án trên từ cách đây 2 năm, nay lại cho tiếp tục triển khai lại đang gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng”, ông Thắng nói.

Theo tài liệu ông Thắng cung cấp, cảng Phú Thái có quyết định của tỉnh Hải Dương về cho phép lập mặt bằng và được Cục Đường thủy nội địa VN cấp phép hoạt động đến năm 2021, với chiều dài 300m vùng nước trước cảng, tiếp nhận tàu 2.000 tấn.

Còn theo tài liệu của Cục Đường thủy nội địa VN, vị trí xây dựng cảng Phú Thái nằm trong phạm vi đất được địa phương giao và có sự chồng chéo về phạm vi sử dụng đất dự án của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thế Anh và cảng Phú Thái. “Phạm vi dự án xây dựng cảng kia không chỉ chồng lấn lên phần đất mà còn đòi hỏi thu hẹp vùng nước của cảng Phú Thái. Không thể có chuyện lấy một phần đất, thu hẹp vùng nước của cảng đang hoạt động ổn định để cho doanh nghiệp khác xây dựng cảng mới”, ông Thắng bức xúc.

Liên quan đến việc UBND tỉnh Hải Dương bãi bỏ chủ trương chấm dứt dự án trên, theo tài liệu mà PV Báo Giao thông có được là do chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho một doanh nghiệp khác nhưng không thành. Cụ thể, Công ty Thế Anh khi đề nghị chấm dứt dự án cũng đồng thời đề xuất cho doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Quyền Phúc được thuê lại đất, thực hiện dự án với quy mô tương tự.

Tháng 6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có chủ trương chấp thuận chấm dứt dự án của Công ty Thế Anh và đồng ý cho công ty Quyền Phúc thế chỗ. Trước khi chuyển chủ đầu tư, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các bên liên quan phải giải quyết các tồn tại liên quan đến trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, Sở GTVT làm việc với đơn vị quản lý đường thủy quốc gia để điều chỉnh lại vùng nước của cảng Phú Thái để làm căn cứ chấp thuận dự án của Công ty Quyền Phúc.

Tuy nhiên, hai năm sau, ngày 1/6/2018, Công ty Quyền Phúc lại đề xuất thôi không thực hiện dự án, trong khi đó chủ đầu tư cũ cũng xin tiếp tục triển khai dự án. Do chủ trương chưa được hiện thực hóa bằng quyết định hành chính nên cuối tháng 6/2018, UBND tỉnh Hải Dương cũng “đảo chiều” theo đề nghị của chủ đầu tư cũ, tiếp tục cho triển khai lại dự án.

Hiện các sở, ngành chức năng của tỉnh Hải Dương đang tích cực xúc tiến các thủ tục để xây dựng dự án. Tuy vậy, một chi tiết đáng chú ý, theo Cục Đường thủy nội địa VN, trong quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa phía Bắc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 112 ngày 26/4/2013 của Bộ GTVT) không có cảng thủy thuộc dự án của Công ty Thế Anh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.